Những khẳng định mạnh mẽ ngay trước thềm mùa bóng 2017 từ lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lẫn lãnh đạo Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về việc sẽ mạnh tay với bạo lực sân cỏ đã lấy lại một phần niềm tin nơi người hâm mộ. Thế nhưng, niềm tin ấy đã vơi dần theo thời gian khi việc làm của VFF và VPF không hẳn như những phát ngôn trước đó.
Hành vi phản cảm của Omar với người xem sau khi bị truất quyền thi đấu (ảnh được cắt từ clip) |
Đã “nóng” thật bởi sau hành vi phản cảm của tiền đạo FLC Thanh Hóa Pape Omar Faye với người hâm mộ Khánh Hòa, Ban Kỷ luật VFF nhanh chóng ban hành quyết định đình chỉ Omar 8 trận, cùng với khoản tiền phạt 30 triệu đồng.
Tương tự, chỉ vài hôm sau khi đánh vỡ mũi cầu thủ Trung Hiếu (Đắc Lắc) tại vòng loại Cúp quốc gia 2017, Phạm Thế Nhật (Sông Lam Nghệ An - SLNA) cũng sớm nhận án phạt đình chỉ 5 trận, nộp phạt 25 triệu đồng. Đồng thời, Thế Nhật phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho cầu thủ đội bạn. Thậm chí, Ban huấn luyện CLB SLNA cũng xác nhận, sẽ phạt nội bộ cầu thủ Thế Nhật bằng cách trừ 1 tháng lương và sẽ chuyển xuống đội trẻ nếu còn tái phạm…
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu pha vào bóng rất nguy hiểm của Hoàng Vũ Samson (Hà Nội FC) với cầu thủ Châu Ngọc Quang (lượt trận thứ 3, ngày 18-1) cũng được xử lý chóng vánh như những trường hợp của Omar hay Phạm Thế Nhật! Thế nhưng, tất cả đều ngỡ ngàng với lời giải thích từ Ban tổ chức khi cho rằng, đó chỉ là “pha tranh chấp bóng với mức độ liều lĩnh”, chứ không phải hành vi bạo lực (!?).
Mãi đến ngày 7-2, trước sự phẫn nộ của dư luận và yêu cầu từ Tổng cục TDTT, Ban Kỷ luật VFF mới quyết định đình chỉ cầu thủ Hoàng Vũ Samson 2 trận! Không những thế, khi bị CLB FLC Thanh Hóa phản đối mạnh mẽ quyết định đình chỉ 8 trận với Omar, Ban Kỷ luật VFF phải thay đổi quyết định để giảm án phạt cho cầu thủ này còn 6 trận.
Trước những quyết định ấy, nhiều người nói vui, Hoàng Vũ Samson phải nhận án đình chỉ 2 trận do Ban kỷ luật điều chuyển từ Omar sang.
Nghiêm túc hơn khi đánh giá về những án phạt “nóng” với Omar hay Phạm Thế Nhật song đúng là “nguội” với Hoàng Vũ Samson, không ít ngờ vực về sự trong sáng, công tâm từ cách hành xử “nhất bên trọng, nhất bên khinh” từ những người có trách nhiệm với bóng đá nước nhà.
Bởi ngay sau pha bóng được xem là “triệt hạ đối thủ” của Hoàng Vũ Samson, trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, chuyên gia Vũ Mạnh Hải thốt lên: “Xem pha bóng bạo lực, không còn tính người của Hoàng Vũ Samson mà VFF và VPF kết luận nhẹ hều, đúng là không còn gì để bàn”.
Và cũng chính chuyên gia này đánh giá cao thái độ của SLNA sau những vi phạm của cầu thủ Thế Nhật: “Cách hành xử của SLNA mới là điều VFF và các đội bóng khác cần học tập, để xây dựng một nền bóng đá không chấp nhận cái xấu”.
Lý giải về sự chậm trễ khi đưa ra án phạt với Hoàng Vũ Samson, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, phải đợi các băng hình, tài liệu của các bên liên quan, Ban kỷ luật mới có thể đưa ra án phạt xác đáng cho chân sút này. Quả là một sự bao biện nghe… không lọt lỗ tai! Ngay cả việc xử phạt đình chỉ 8 trận rồi giảm xuống còn 6 trận với Omar của VFF, cũng thiếu những căn cứ đủ sức thuyết phục cả người vi phạm lẫn công luận. Cho nên, rất khó hy vọng vào một cuộc cách mạng của VFF và VPF trong nỗ lực hạn chế tối đa bạo lực sân cỏ. Một khi, thực tế đã cho thấy những điều ngược lại!
NGUYÊN AN