.

Vấp ngã phải biết đứng dậy

.

Thân hình bé nhỏ của Messi bị hất tung trên không trước bóng dáng vạm vỡ của Pjanic và khi rơi xuống đất, má trái của anh cắm xuống mặt cỏ trong tư thế hoàn toàn bị động, mắt nhắm nghiền đau đớn. Hình ảnh bi thảm này của nhạc trưởng Barcelona xuất hiện đầy dẫy trên mặt báo phát hành sau trận tứ kết lượt về giữa Barcelona và Juventus, minh họa cho thất bại đã được báo trước của đại biểu Tây Ban Nha. Vậy là không hề có điều thần diệu thứ hai sau chiến thắng lịch sử 6-1 trước Paris Saint-Germain, Barcelona phải ngậm ngùi kết thúc cuộc đua Champions League mùa này ở vòng tứ kết trước đối thủ gan góc, lỳ lợm và giàu kinh nghiệm trận mạc là Juventus.

Messi đã bị theo kèm rất chặt trong trận tứ kết lượt về giữa Barcelona và Juventus.  (Nguồn: Internet)
Messi đã bị theo kèm rất chặt trong trận tứ kết lượt về giữa Barcelona và Juventus. (Nguồn: Internet)

Trên sân Nou Camp rạng sáng 20-4 (giờ Việt Nam), bằng lối chơi cẩn trọng được chuẩn bị kỹ nhờ vào lợi thế dẫn bàn cách biệt ở trận lượt đi, đại biểu bóng đá Ý đã kiên cường thủ hòa chủ nhà. Hỏa lực của Barcelona, dù vẫn có đủ bộ ba Messi-Neymar-Suarez, vẫn không đủ sức khoan thủng hệ thống phòng ngự kín kẽ, nhiều tầng của Juventus. Chỉ vỏn vẹn một cú sút trúng đích trong tổng số 17 pha dứt điểm được tung ra, chưa bao giờ hàng công Barcelona mất phương hướng và thiếu hiệu nghiệm đến thế. Mọi việc đã diễn ra không theo đúng kế hoạch của chủ nhà (ghi bàn sớm để tạo sức ép lên đối phương) nhưng lại đúng với ý đồ của đội khách (phòng thủ chặt chẽ, khiến đối phương nôn nóng, dẫn đến thiếu chính xác trong chuyền bóng và dứt điểm).

Barcelona đã thua nhưng thay vì thất vọng, họ nên cảm ơn thất bại và biết tìm trong thất bại những điều bổ ích để kịp đứng dậy. Và ai cũng thấy một trong những thay đổi cần kíp lúc này với họ là cách tân lối chơi vốn bị các đối thủ nắm bắt và tìm ra bí quyết khắc chế trong nhiều năm qua. Tấn công, tấn công và mãi mãi tấn công, phương châm này (được huấn luyện viên Enrique theo đuổi và nhắc lại trước trận lượt về với Juventus) không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả, nhất là trước các đối thủ lấy phòng ngự làm nền tảng. Hai trận thua cách biệt trước Paris Saint-Germain và Juventus vừa rồi phải là bài học điển hình về sự lỗi thời của lối chơi này. Xa hơn một chút, hãy nhớ về hai trận đại bại với tổng tỉ số 0-7 trước Bayern Munich 4 năm trước, cũng trên chiến trường Champions League.

 Nhiều chuyên gia từng nhận xét đây là đội bóng không biết phòng thủ. Barcelona ngạo mạn bỏ ngoài tai lời cảnh báo này hay họ không đủ sức lực và bản lĩnh cách tân? Messi là nhân tố then chốt đóng góp tích cực vào thành công nhiều năm qua nhưng nếu quá phụ thuộc vào tài năng của một người đến nỗi lơi lỏng với các phương án huy động và khai thác sức mạnh cả tập thể thì chắc chắn thành công không thể vững bền. Các nhà quản lý ở Nou Camp hẳn nhận thức rõ điều này nhưng điều khó hiểu là chưa có giải pháp nào giúp họ thoát ra hội chứng lệ thuộc quá nhiều vào phong độ của Messi.

Đổi thay chắc chắn phải là mệnh lệnh. Hè này, họ sẽ có huấn luyện viên mới và công chúng trông chờ người kế nhiệm của Luis Enrique có đủ bản lĩnh, tài nghệ xoay chuyển một cơ thể có dấu hiệu sáo mòn, lắm lúc dao động về phương hướng. Được vậy thì một Barca mạnh mẽ, tươi tắn với nhiều ý tưởng mới lạ, đột phá có thể sẽ làm sinh động thêm lên sân cỏ mùa tới.

ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.