Nguyễn Nho Đức rất dễ gần nếu chỉ làm việc với anh nhưng sẽ rất khó khi muốn người đàn ông này nói về mình. Và dường như, biệt danh “con người hành động” hoàn toàn chính xác khi nói về cựu tuyển thủ tài hoa của bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) trước đây.
Dù là một cầu thủ hay một cán bộ TDTT, Nguyễn Nho Đức (bìa trái, hàng sau) hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận bởi những đóng góp lặng lẽ cho thể thao quê hương. |
Chắc hẳn, những người hâm mộ bóng đá trong những năm cuối thập niên 1970 không thể nào quên chàng tiền vệ mang áo số 10 của Cảng Đà Nẵng lẫn đội tuyển QN-ĐN lúc ấy. Có thể lối đi bóng lắt léo của Phan Trọng Quang rồi những pha dốc bóng tốc độ của bộ tam phong Ngô Minh Thành, Trần Vũ, Phan Ngọc Trung hay sự vững vàng của trung vệ Nguyễn Văn Minh dễ dàng đón nhận sự tán dương của người xem song những đóng góp thầm lặng của Nguyễn Nho Đức hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Dường như cái tính cách không ồn ào được Nho Đức thể hiện ngay trong lối chơi bóng của mình. Thay vì lạm dụng kỹ thuật, anh có lối chơi với tư duy hiện đại bằng những đường chuyền “một phát ăn ngay” để các đồng đội ghi bàn. Cũng có một chi tiết hẳn không nhiều người còn nhớ khi năm 1979, đội QN-ĐN có trận giao hữu quốc tế đầu tiên trên sân Chi Lăng cùng đội Giao thông Vận tải Lào. Và chính Nguyễn Nho Đức là tác giả của bàn thắng duy nhất với cú vô-lê đẹp mắt để mang về chiến thắng 1-0 lịch sử cho bóng đá đất Quảng.
Đáng tiếc, một chấn thương khá nặng sau chuyến thi đấu giao hữu tại Gia Lai - Kon Tum cuối năm 1980 buộc Nho Đức phải giã từ sân cỏ khi anh đang trong giai đoạn sung mãn nhất của đời cầu thủ. Thế nhưng, thể thao với anh như một cái “nghiệp”; cũng như cách anh giã từ đời sinh viên Trung tâm Kỹ thuật Quốc gia Phú Thọ để trở về phục vụ cho bóng đá quê hương ngay sau ngày đất nước thống nhất và trở thành một trong những nhân tố đưa đội QN-ĐN giành ngôi vô địch giải Bóng đá Trường Sơn “Mừng Tổ quốc thống nhất 1976”. Sau quãng thời gian khá dài chữa trị chấn thương, Nho Đức trở lại với thể thao; lần này anh trở thành chuyên viên của Phòng Văn hóa - Thể thao (VH-TT) thành phố Đà Nẵng (tỉnh QN-ĐN). Ông Lê Nguyên Hồng, nguyên Trưởng phòng VH-TT thành phố Đà Nẵng từng thừa nhận, dù có rất nhiều cán bộ, nhân viên giỏi nhưng nếu thiếu Nguyễn Nho Đức, ngành TDTT thành phố lúc ấy không “bạo gan” để tổ chức các giải đua xe đạp liên tỉnh hay giải xe đạp thành phố thường niên. Năm 1997, tưởng như cuộc đời của Nguyễn Nho Đức chuyển sang hướng khác do sau khi chia tách tỉnh QN-ĐN, anh xin nghỉ công tác. Nhưng một lần nữa, cái “nghiệp” thể thao vẫn cứ gắn với anh bởi lãnh đạo Sở TDTT lúc bấy giờ trực tiếp gặp gỡ và thuyết phục để Nho Đức quay về với công việc.
Dù chỉ là một chuyên viên hay khi trở thành Giám đốc Trung tâm TDTT, Nguyễn Nho Đức luôn là con người “xắn tay áo làm việc” thay vì chỉ điều hành cấp dưới. Còn nhớ, khi được giao nhiệm vụ thiết kế và lắp đặt đài đuốc cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), anh rất trăn trở để thiết kế một đài đuốc vừa tương xứng với không gian, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ cao nhất. Và những tìm tòi, nỗ lực của anh đã mang lại cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 một đài đuốc hoàn chỉnh như yêu cầu đặt ra.
Với Báo Đà Nẵng, Nguyễn Nho Đức cũng trở thành một người bạn đồng hành mật thiết. Trong 20 lần giải Việt dã - chạy Vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng được tổ chức, anh gắn bó thường xuyên với trách nhiệm rất cao. Vừa chỉ đạo và cùng cộng sự lắp đặt lễ đài, Nho Đức còn là người trực tiếp phân bổ cự ly thi đấu để bảo đảm tính hợp lý, đo chiều dài các cự ly thi đấu, kẻ đường đua. Bất chấp thời tiết thuận lợi hay trong những đêm mưa rét trước ngày thi đấu, anh vẫn lặn lội trên từng tuyến đường để bảo đảm công tác chuẩn bị phải ở mức tốt nhất. Hoặc khi có những yêu cầu đổi mới khu vực đích, xuất phát hay trên đường chạy, anh luôn tìm được những ý tưởng thích hợp một cách hoàn hảo.
Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba (năm 2011) là một phần thưởng rất cao quý với Nguyễn Nho Đức, nhưng chắc chắn, những tin yêu của đồng nghiệp, cộng sự hay của những người hâm mộ cũng là những phần thưởng vô giá, dành cho đóng góp lặng lẽ của anh với thể thao Đà Nẵng…
NGUYÊN AN