Đà Nẵng giải bài toán thể thao biển

.

Khi nói đến mục tiêu phát triển thể thao biển, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Nguyễn Phúc Linh vẫn nhắc lại một ký ức buồn: “Khi Giải Bóng chuyền bãi biển toàn quốc 2014 được tổ chức tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh, lúc đó là Phó Bí thư Thành ủy đến xem và có hỏi về đội Đà Nẵng. Câu hỏi ấy khiến chúng tôi phải suy nghĩ nhiều. Là một thành phố du lịch biển nổi tiếng nhưng các môn thể thao biển của Đà Nẵng lại chẳng xứng tầm”. Câu hỏi ấy hơn cả một sự gợi mở để ngành Thể dục-Thể thao (TDTT) Đà Nẵng quyết tâm và nỗ lực cao nhất trong việc từng bước phát triển thể thao biển.

Dù lượn có ca-nô kéo là một trong những loại hình thể thao biển đang rất được yêu thích ở Đà Nẵng.  			            Ảnh: ANH VŨ
Dù lượn có ca-nô kéo là một trong những loại hình thể thao biển đang rất được yêu thích ở Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ

Thực tế, cùng với nhiều hoạt động khác, những cuộc thi đấu thể thao quốc tế như Cuộc thi Ironman 70.3, Cuộc thi Marathon quốc tế Đà Nẵng thường niên hay Đại hội Thể thao bãi biển châu Á ABG 5 (2016) góp phần quan trọng để Đà Nẵng được vinh danh là “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á - Asia’s Leading Festival and Event Destination” tại lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2016 khu vực châu Á và châu Đại Dương 2016.

Là một thành phố biển và thành phố du lịch, việc phát triển thể thao biển sẽ tạo cơ hội để ngành TDTT tổ chức các sự kiện liên quan; qua đó góp phần quảng bá tốt hơn nữa hình ảnh của thành phố đến bạn bè quốc tế. Mặt khác, việc tổ chức, hình thành một số môn thể thao giải trí như dù lượn có ca-nô kéo, lướt ván… sẽ làm phong phú thêm các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển.

Ngoài ra, một số môn thi đấu của thể thao biển như bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, bóng ném bãi biển, đá cầu bãi biển, Jujitsu... không chỉ có trong chương trình thi đấu giải vô địch quốc gia mà còn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic.  

Vì thế, thời gian qua, ngành TDTT đã và đang nỗ lực xây dựng, phát triển thể thao biển thông qua việc tổ chức một số giải đấu cấp CLB thành phố như bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển, cũng như đang hướng đến phát triển thêm một số môn mới.

Song, không thể phủ nhận những khó khăn mà ngành TDTT cũng như một số CLB đối mặt trong nỗ lực xây dựng và phát triển thể thao biển. Anh Nguyễn Bá Hưng, một thành viên kỳ cựu của CLB Kayak Đà Nẵng thổ lộ:

“CLB Kayak Đà Nẵng đã tổ chức 4 giải đua “Vượt sóng Mỹ Khê”, nhân dịp khai trương mùa du lịch biển hằng năm hay tham gia giải đua Kayak “Hào khí sông Hàn” chào đón sự kiện Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Race 2016-2017 rồi đồng hành Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017 với 5 đêm trình diễn.

Tuy nhiên, CLB Kayak Đà Nẵng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xin cấp phép hoạt động do vẫn chưa có những văn bản pháp quy cụ thể”. Ở góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động TDTT, ông Nguyễn Phúc Linh cho biết:

“Là những môn thể thao mới phát triển nên ngay các cơ quan Trung ương cũng chưa có những chính sách, quy định, hướng dẫn cụ thể. Vì thế, các địa phương cũng phải vừa làm, vừa chờ đợi những văn bản pháp quy. Do đó, dù muốn hay không, thành phố vẫn chưa thể quy hoạch đất dành cho một số hạng mục trên bờ cũng như đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực. Cho nên các doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn rất hạn chế...”.

Hiện nay, ngành TDTT thành phố đang xây dựng đề án phát triển thể thao biển trình lãnh đạo thành phố. Trước mắt, ngành TDTT mong muốn thành phố sớm có cơ chế phù hợp, tạo điều kiện cho thể thao biển Đà Nẵng phát triển tương xứng, góp phần để Đà Nẵng xứng đáng là “Thành phố của sự kiện”.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.