HLV Hữu Thắng có đáng bị chỉ trích?

.

“Ở trận đá với Hàn Quốc, ta chỉ cần hòa là chắc chắn có ngôi nhất bảng, vậy đâu cần phải bung sức đá đôi công với họ rồi phải nhận thất bại”, nhiều chuyên gia bóng đá đã đưa ra nhận định như vậy.

HLV Hữu Thắng (trái) có quyền áp đặt triết lý của mình bởi ông là người chịu trách nhiệm cao nhất thành bại của U22 Việt Nam.
HLV Hữu Thắng (trái) có quyền áp đặt triết lý của mình bởi ông là người chịu trách nhiệm cao nhất thành bại của U22 Việt Nam.

Không hẳn là thế. Muốn biết được Hữu Thắng đang toan tính gì thì phải theo dõi cả quá trình tập luyện, mục tiêu vòng loại VCK U23 châu Á 2018 và các phương án chuẩn bị SEA Games 29.

Trước hết, không thể nói U22 Timor Leste tập trung “tử thủ” có được trận hòa trước U22 Hàn Quốc thì U22 Việt Nam, từng thắng họ 4-0 sẽ có được 1 điểm, nếu muốn thủ hòa. Thực tế, trong bóng đá vào sân với tư tưởng “chỉ cần hòa”, thi đấu co cụm sớm thì nhiều khả năng sẽ thua, thậm chí thua đậm.

Trong bối cảnh, nếu thua ít vẫn có “vé vớt” đi Trung Quốc thì HLV Hữu Thắng nhân cơ hội tập dượt phương án tổ chức trận đấu có 3 điểm với đối thủ trên cơ. Đây là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra tại SEA Games 29, trên đất Malaysia khi chúng ta bị thua trước.

Dùng sở đoản?

Khá nhiều nhà chuyên môn đã đặt câu hỏi: Tại sao có bộ ba Duy Mạnh, Xuân Trường, Tuấn Anh mà HLV Hữu Thắng lại không dùng sơ đồ 4-1-4-1 ưa thích? Thực tế, với dàn tiền vệ gồm Xuân Trường, Tuấn Anh đá tiền vệ trung tâm, 2 cánh là Văn Toàn (trái), Quang Hải (phải) thì U22 Việt Nam chơi đội hình 4-4-2 hoàn toàn thiên về tấn công.

Ý đồ dùng đội hình thiên về tấn công, như chúng tôi phân tích ở trên, Hữu Thắng cần thử nghiệm ý đồ chơi “tất tay” khi không may thủng lưới trước tại SEA Games 29. Còn vì sao, không đá 4-1-4-1 thì một thành viên ban huấn luyện bật mí, sân trơn, bóng ướt nếu đá thế trung phong cắm sẽ "đói" bóng. Đấy là nhận định hoàn toàn chính xác, trong điều kiện sân bãi và thời tiết tại TP.HCM lúc đó, chúng ta có thể không sát như các thành viên ban huấn luyện.

Rõ ràng, HLV Hữu Thắng đang tập cho các học trò đúng tâm lý một trận đấu, chúng ta cần bàn thắng, toàn đội xông lên phía trước. Thực tế cho thấy Xuân Trường, Tuấn Anh đều có xu hướng cầm nhịp, tổ chức lối chơi và bỏ quên nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự. Nói cách khác, việc dùng Xuân Trường, Tuấn Anh đá tiền vệ trung tâm suốt cả trận đấu là không ổn, có chăng chỉ một vài thời điểm.

Các tiền đạo cắm cả Đức Chinh và sau đó là Tuấn Tài đều không đủ lực gây sức ép lên khung thành đối phương. Muốn có bàn thắng vẫn cần sự cơ động của Công Phượng cùng sự dâng cao của Văn Toàn, Văn Thanh, Quang Hải.

Nỗi lo hàng thủ

Nhìn tổng thể, thầy trò HLV Hữu Thắng đã có một giải đấu tạm coi là thành công. Nhưng phân tích sâu hàng thủ, hiện hữu một nỗi lo về khả năng tập trung trong phòng ngự dưới sức ép của đối phương.
Bàn thua duy nhất ở trận gặp U22 Macau (Trung Quốc) cũng đến vì sự thiếu tập trung của hai trung vệ, đặc biệt là Văn Khánh. Còn hai bàn thua trước Hàn Quốc đều đến từ việc các cá nhân hàng thủ U22 Việt Nam mắc lỗi, trong đó thủ môn Tiến Dũng mắc lỗi sơ đẳng, cơ bản.

Bàn thắng U22 Hàn Quốc nâng tỷ số lên 2-1 sau pha dứt điểm hiểm hóc của In Beom ở phút 41 khi trung vệ thủ quân Tiến Dũng bên ngoài sân do cần tới sự chăm sóc của các nhân viên y tế cho thấy chúng ta còn quá non kinh nghiệm thi đấu.

“Tử huyệt” trung vệ bị bộc lộ, ngoài sự ổn định của Tiến Dũng, thì Văn Khánh thể hiện cóng khi vào sân thay người, còn Đình Trọng vẫn cần thời gian. Phát hiện lớn nhất của Hữu Thắng chính là hậu vệ trái Văn Hậu, cậu em út của đội đã thi đấu chững chạc, tạo niềm tin để BHL đẩy Văn Thanh sang cánh phải. Điểm sáng nữa là Quang Hải, thi đấu ngày càng ấn tượng bên cánh trái nhờ khả năng cơ động và sở hữu cú sút xa đầy uy lực.

Vẫn còn 1 tháng để chúng ta chuẩn bị cho giấc mơ SEA Games 29, khát khao về tấm HCV của không biết bao nhiêu trái tim hâm mộ. Chúng ta tin tưởng Ban Huấn luyệnU22 Việt Nam sẽ có những điều chỉnh kịp thời!

Theo TT&VH

;
.
.
.
.
.