Sự yêu mến dành cho các tuyển thủ U23 Việt Nam là chính đáng và dễ hiểu nhưng sẽ tốt hơn nếu tất cả dừng ở một chừng mực.
Sau thành công vang dội của thầy trò HLV Park Hang-seo với danh hiệu á quân tại vòng chung kết giải Bóng đá U23 châu Á 2018, không ít ảo tưởng về một sự “vươn mình mạnh mẽ” của bóng đá Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải - nguyên Tổng Biên tập Báo Bóng đá xác quyết:
“Trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, có những lúc làm việc tận lực nhưng thành tích không đến. Ngược lại, có thời điểm, chỉ hoàn thành nhiệm vụ ở mức vừa phải thì thành quả lại… rơi xuống. Tôi nhấn mạnh đến cái “vận”, hiểu cách khác thì đó là may mắn, đôi khi đóng vai trò quyết định, dẫn đường cho những chiến tích không thể tin nổi. Đội tuyển U23 Việt Nam đã tận hiến, thăng hoa ngoài sức tưởng tượng.
Nhưng tôi nghĩ, chính HLV Park Hang-seo cũng khó hình dung được kết cục tuyệt vời như thế. Ông ấy chỉ có thể lên kế hoạch thật tốt cho công việc chứ không thể lên kịch bản cho… trận chung kết! Vì thế, theo tôi, thành công của đội tuyển U23 Việt Nam dựa trên nhiều yếu tố nhưng chắc chắn, đây chưa phải là thành công của một nền bóng đá”.
Sau thành công vang dội tại giải Bóng đá U23 châu Á 2018, sự kỳ vọng thái quá đang vô tình tạo áp lực lớn cho các cầu thủ U23 Việt Nam. Ảnh: Getty Images |
Đáng tiếc, không phải ai cũng nhận biết được thực tế đó và cũng vì thế đã nảy sinh “hiệu ứng U23”, vô tình, tạo nên quá nhiều áp lực cho không ít cầu thủ trẻ. Ở một số trận đấu chuẩn bị cho V-League 2018 của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), SHB Đà Nẵng hay các trận đấu chính thức của Sông Lam Nghệ An (SLNA), FLC Thanh Hóa, Xuân Trường, Công Phượng, Hà Đức Chinh, Xuân Mạnh, Văn Đức, thủ môn Bùi Tiến Dũng... trở thành những nhân vật trung tâm của sự kiện, thay vì các trận đấu! Hình ảnh Hà Đức Chinh bị người hâm mộ vây kín tại Huế, Bình Dương hay sân Bình Phước suýt bị “vỡ” ở trận giao hữu giữa đội chủ nhà cùng HAGL (chiều 27-2) đủ cho thấy “hiệu ứng U23” lớn đến độ nào.
Bên cạnh đó, còn là những háo hức về việc, các cầu thủ U23 Việt Nam sẽ “tràn ngập” tại V-League 2018 dưới màu áo các CLB. Hẳn nhiên, sự yêu mến dành cho các tuyển thủ U23 Việt Nam là chính đáng và hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu tất cả chỉ dừng ở một chừng mực.
Ở trận tranh Siêu Cúp Quốc gia 2017 cùng Quảng Nam, cả Văn Đức lẫn Xuân Mạnh đều không thể hiện đúng với những chờ đợi. Thậm chí, Xuân Mạnh còn là một trong những cầu thủ phạm sai lầm, dẫn đến bàn thua duy nhất của SLNA ở trận đấu nói trên.
Mới đây nhất, hai sai lầm của thủ môn Bùi Tiến Dũng đã khiến FLC Thanh Hóa bị thua ngược 1-2 trên sân Yangon United (Myanmar). Sau đó, trên trang cá nhân của mình, anh phải xin lỗi người hâm mộ, dù rằng Bùi Tiến Dũng không phải là người duy nhất chịu trách nhiệm về thất bại của FLC Thanh Hóa vào chiều 27-2.
Không khó để nhận thấy áp lực đang lớn dần với các cầu thủ trẻ vốn chưa quen với việc được xưng tụng như “những vị cứu tinh” của bóng đá nước nhà. Tại V-League 2018, chắc hẳn, ngoài những cầu thủ trẻ vốn được sử dụng thường xuyên ở HAGL hay Hà Nội FC và phần nào đó tại SHB Đà Nẵng, không dễ để các tuyển thủ U23 Việt Nam tìm kiếm suất đá chính tại các CLB bởi ngoài thành tích là yêu cầu tiên quyết ở từng CLB mà với các tuyển thủ U23 Việt Nam, sự nghiệp của họ cũng chỉ mới ở bước khởi đầu.
Vì thế, nếu vì một tình yêu thực sự, đừng bắt các cầu thủ trẻ mang một gánh nặng vinh quang quá lớn như đã từng.
BẢO AN