Cảm xúc World Cup

Học bạn

Người Nhật đã thổn thức sau trận thua của đội tuyển nhà trước cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của đối thủ Bỉ tại vòng 1/8 Russia 2018. Dưới sân, cầu thủ thẫn thờ tuyệt vọng; trên khán đài, cổ động viên ôm nhau buồn bã, ngước mặt vào trời cao như tự hỏi điều gì khiến niềm vui tưởng vỡ òa bỗng chốc đành trôi tuột khỏi tay mình.

Bằng chất kiên trì hết mực và sự điều chỉnh kịp thời từ băng ghế huấn luyện, cuộc ngược dòng ngoạn mục giành vé vào tứ kết của Bỉ để lại nhiều ấn tượng. Đây là lần thứ hai từ sau năm 1966 một đội bóng giành chiến thắng cuối cùng sau khi bị dẫn hai bàn cách biệt trong hai hiệp chính ở trận đấu thuộc vòng đấu knock-out của World Cup (năm 1966, Bồ Đào Nha thắng ngược Triều Tiên 5-3 sau khi bị dẫn trước 0-3). Chiến thắng được đánh giá cao trước một đối thủ quả cảm, sắc sảo, tiêu biểu khí chất của một đại biểu châu Á quyết vươn lên khẳng định giá trị ở đấu trường đỉnh cao. Tâm lý vững vàng, ý chí mạnh mẽ, tuyển thủ Nhật chỉ bị thua thiệt vì các yếu tố phần lớn nằm ngoài nỗ lực tự thân của họ: thể lực, tầm vóc và phần nào đó kỹ thuật cá nhân.

Tất nhiên, không loại trừ nguyên cớ chủ quan, trong đó sự điều chỉnh đấu pháp thích hợp và kịp thời với diễn biến trên sân của người cầm quân là chỗ yếu lớn nhất. Tốc độ và khí thế hăm hở tấn công đã được đẩy quá mức vào lúc đội hình Nhật cần giữ nhịp độ điềm tĩnh nhằm phân phối sức hợp lý để không bị cuốn vào trận địa của một đối phương đang cần bàn thắng thu hẹp cách biệt. Chính huấn luyện viên Nishino tự nhận trách nhiệm và lỗi lầm khi dự báo rằng thất bại nhức buốt này chắc chắn sẽ giày vò bản thân mình dài lâu.

Một châu Á hiên ngang, dù vậy, đã hiển hiện rỡ ràng trong dáng vóc những Inui, Haraguchi, Honda, làm ấm lòng nhiều người từng dõi theo bước chân của các đại biểu lục địa này ở đấu trường World Cup những năm qua. Cân bằng, thanh thoát, hiện đại, hướng đến hiệu quả, tuyển Nhật Bản ở Russia 2018 dường khác rất nhiều so với bóng dáng các thế hệ đàn anh của họ. Một lộ trình bài bản, khoa học cô đúc nhiều công sức, trí tuệ và nung nấu nhiều khát vọng hẳn đã được người Nhật vạch ra, tiếp nhận tinh hoa thời đại để làm mới nền bóng đá nước nhà.

 Cộng với cảm hứng tích cực từ lối chơi của Hàn Quốc, Iran- dù bị loại sớm từ vòng đấu bảng- cộng đồng người yêu bóng đá châu Á có thể vững tin về bước tiến mới cùng diện mạo tương lai đáng khích lệ của sân cỏ ở nơi bị xếp vào loại yếu kém toàn cầu.

Sẽ thiệt thòi cho những nền bóng đá lân cận có chung môi trường, điều kiện, có sự tương đồng về đặc điểm thể chất và lai lịch nhưng lại không rút tỉa được bài học từ họ.

Đình Xê

;
.
.
.
.
.
.