Cầu lông Đà Nẵng: Vượt khó để giữ phong trào

.

Chuẩn bị bước vào tuổi 23, nhưng giải Cầu lông truyền thống các CLB Đà Nẵng gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí có thể tạm hoãn bởi kinh phí tổ chức gần như “trắng”. Đáng kể nhất là Hãng Cầu 999, đơn vị gắn bó với Cầu lông Đà Nẵng cũng như giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố suốt 22 năm qua không thể tiếp tục đồng hành, do khó khăn của đơn vị này.

Để phong trào Cầu lông Đà Nẵng giữ vững và phát triển tốt hơn, chắc chắn, chỉ có sự nỗ lực của DBF là không đủ. 		  Ảnh: ANH VŨ
Để phong trào Cầu lông Đà Nẵng giữ vững và phát triển tốt hơn, chắc chắn, chỉ có sự nỗ lực của DBF là không đủ. Ảnh: ANH VŨ

Trong khi đó, Liên đoàn Cầu lông Đà Nẵng (DBF) hoàn toàn không có kinh phí để phát triển phong trào. Không những thế, phong trào Cầu lông của thành phố cũng chững lại và có dấu hiệu đi xuống do nhiều yếu tố khách quan.

Bắt nguồn từ các chi phí cho cầu lông (trang phục, cầu, vợt…) tăng dần, khiến niềm đam mê của những người yêu thích bộ môn này bị ảnh hưởng. Mặt khác, việc có nhiều sự lựa chọn hoạt động thể thao như: chạy bộ, đạp xe đạp, tập dưỡng sinh, bơi… ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của phong trào.

Bên cạnh đó, dù đối tượng trẻ tham gia tập luyện cầu lông tăng, song hầu hết là học sinh và chỉ tập trung chơi trong dịp hè, thời gian còn lại thì phong trào lắng xuống. Không ngẫu nhiên khi thời điểm hiện tại, số lượng CLB Cầu lông trên địa bàn thành phố giảm từ 55 CLB xuống còn khoảng 40 CLB và số người tập luyện cầu lông giảm khoảng 20% so với trước.

Đây chính là nỗi trăn trở rất lớn của DBF. Khó khăn cũng là động lực để DBF quyết tâm tổ chức giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố lần thứ 23 (2018) với mục tiêu lớn nhất là duy trì phong trào.

Thường trực DBF đã kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ, tài trợ từ nhiều nguồn với mục tiêu không để giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố bị gián đoạn. Sự tham gia đúng lúc của nhà tài trợ New Star (Bắc Giang) phần nào giải tỏa những khó khăn mà DBF phải đối mặt.

Bên cạnh đó, Công ty CP Dệt - may 29-3 tiếp tục là một trong những đơn vị tài trợ chính cho giải. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DBF Lê Nguyễn Tường Lân, để giải quyết những khó khăn về kinh phí, các hoạt động tuyên truyền trực quan sẽ phải giảm thiểu, các nội dung thi đấu rút gọn từ 10 nhóm tuổi còn 5 nhóm tuổi (18 tuổi, 19-30 tuổi, 31-40 tuổi, 41-50 tuổi và 51 tuổi trở lên). Mặt khác, số lượng CLB khách mời có thể giảm so với những giải trước.

Nỗ lực của DBF với phong trào Cầu lông thành phố rất đáng trân trọng. Nhưng chắc chắn, với nỗ lực tự thân của một tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể thao tự nguyện như DBF cũng sẽ không đủ, nếu thiếu sự hỗ trợ của ngành TDTT cũng như mối quan tâm của toàn xã hội dành cho bộ môn này.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.
.