Giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố Đà Nẵng lần thứ 23 (2018): Tháo gỡ khó khăn để giải thành công

.

Từ ngày 9 đến 12-8, tại Cung Thể thao Tiên Sơn, giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố Đà Nẵng lần thứ 23 (2018), do Liên đoàn Cầu lông thành phố (DBF) phối hợp với Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DanangTV) và các nhà tài trợ tổ chức vẫn tiến hành đúng kế hoạch.

Những khó khăn về kinh phí khiến các cây vợt Thiếu niên không có cơ hội tranh tài tại giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố Đà Nẵng lần thứ 23 (2018). Ảnh: ANH VŨ
Những khó khăn về kinh phí khiến các cây vợt Thiếu niên không có cơ hội tranh tài tại giải Cầu lông truyền thống các CLB thành phố Đà Nẵng lần thứ 23 (2018). Ảnh: ANH VŨ

Ban tổ chức đã điều chỉnh điều lệ khi tổ chức thi đấu 5 nhóm tuổi và mỗi nhóm cách nhau 10 tuổi thay vì 10 nhóm tuổi và mỗi nhóm cách nhau 5 tuổi như các giải trước. Bên cạnh đó, dù vẫn duy trì quy định các VĐV nhóm tuổi trên có thể thi đấu ở nhóm tuổi dưới, nhưng ở giải lần này, các VĐV nhóm 2 (nhóm 19-30 tuổi) chỉ được thi đấu ở nhóm tuổi của mình.

Mặt khác, dù khó khăn về kinh phí tổ chức giải nhưng với mong muốn tạo cơ hội để các tay vợt trẻ được thi đấu cọ xát, Ban tổ chức quyết định miễn hoàn toàn lệ phí thi đấu cho các VĐV từ 15 tuổi trở xuống (sinh năm 2003 trở lại). Đồng thời, ở các nội dung đôi, ngoài tay vợt đúng nhóm tuổi, bắt buộc phải có một tay vợt ở nhóm tuổi trên xuống đứng cùng cặp.

Cụ thể, nội dung đôi thuộc nhóm tuổi 2 (19-30 tuổi) bắt buộc phải có một VĐV ở nhóm tuổi 26-30; các nội dung đôi thuộc nhóm tuổi 3 (31-40 tuổi) bắt buộc phải có một VĐV ở nhóm tuổi 36-40; các nội dung đôi thuộc nhóm tuổi 4 (41-50 tuổi) bắt buộc phải có một VĐV ở nhóm tuổi 46-50; các nội dung đôi thuộc nhóm tuổi 5 (51 trở lên) bắt buộc phải có một VĐV ở nhóm tuổi từ 56 trở lên.

Ngoài ra, cùng với các CLB thành phố Đà Nẵng, Ban tổ chức mời một số CLB của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa... và một số CLB trên toàn quốc tham gia.

Đáng tiếc nhất với giải lần này là dù các tay vợt ở nhóm tuổi 1 (từ 18 tuổi trở xuống) vẫn được tranh tài nhưng điều này cũng hạn chế sự tham gia của những tay vợt trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng (TN-NĐ).

Cho dù các CLB hay ngành giáo dục và các quận, huyện vẫn có những giải đấu hằng năm dành cho TN-NĐ nhưng rõ ràng, việc được tham gia tranh tài ở một giải đấu cấp thành phố vẫn mang lại cho các em sự hưng phấn hơn. Hơn nữa, đối tượng các em được cọ xát sẽ đa dạng do đến từ nhiều CLB trong thành phố, thay vì chỉ thi đấu với những đối thủ quá quen thuộc ở cùng quận, huyện.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký DBF Lê Nguyễn Tường Lân cho biết: “Thực tế, ở những giải đấu trước, chúng tôi thường xuyên phát hiện được những VĐV có khả năng và đưa vào thành phần đội tuyển Đà Nẵng để tập luyện, phục vụ cho các giải quốc gia, quốc tế.

Đây cũng là nguồn bổ sung khá chất lượng cho đội tuyển Cầu lông Đà Nẵng trong những năm qua. Việc phải loại bớt nhóm tuổi U15 ra khỏi giải lần này là bất khả kháng, dù biết rằng các VĐV trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý cũng như tác động không tích cực đến tương lai của Cầu lông Đà Nẵng. Hy vọng, tại giải Cầu lông các CLB truyền thống thành phố Đà Nẵng lần thứ 24 (2019), DBF sẽ cố gắng tìm kiếm được nguồn kinh phí cần thiết để giúp các em có một sân chơi như mong muốn”.

NGUYÊN AN

;
.
.
.
.
.
.