Những năm qua, trong thành tích chung của thể thao Đà Nẵng không thể không nhắc đến sự đóng góp của các HLV nhiều bộ môn đã ngày đêm tận tụy cống hiến để đào tạo nên các thế hệ vận động viên tài năng, đem vinh quang về cho thể thao thành phố…Tuy nhiên, để thể thao Đà Nẵng phát triển, rất cần những người thầy chuyên nghiệp hơn.
HLV Phạm Trường Giang (trái) đã được cử sang CLB Bơi BVSC - Zugló (Hungary) đào tạo dài hạn.Ảnh: ANH VŨ |
Giám đốc Trung tâm Huấn luyện-Đào tạo VĐV (Trung tâm HL-ĐT VĐV), Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Đặng Đông Hải thừa nhận: “Hiện tại, Trung tâm HL-ĐT VĐV có hơn 90 HLV; trong đó, có 1 HLV cao cấp, 13 HLV chính, hơn 90% có trình độ đại học trở lên nhưng lực lượng HLV giỏi chưa nhiều.
Một số HLV từ phong trào đi lên, đa số HLV còn lại là những VĐV từng có thành tích thi đấu. Vì thế, phần lớn vẫn còn lúng túng trong công tác huấn luyện do hụt hẫng kiến thức cũng như chưa bắt nhịp tốt với những đổi mới của đơn vị”.
Không những thế, dù có kinh nghiệm, kỹ năng và trình độ huấn luyện VĐV đỉnh cao nhưng một số HLV chính phải đảm nhiệm công tác quản lý nên chỉ kiêm nhiệm, gián tiếp, hỗ trợ cho các HLV trong công tác huấn luyện.
Mặt khác, với hơn 90 HLV nhưng phải quản lý hơn 1.000 VĐV chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và nghiệp dư, đồng nghĩa với việc một HLV phải đảm trách huấn luyện cùng lúc hơn 10 VĐV, khiến quá trình theo dõi, hướng dẫn, thị phạm, điều chỉnh kế hoạch huấn luyện không được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả huấn luyện không cao.
Cũng do chưa được đào tạo bài bản nên hầu hết các HLV chưa áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ, y học và phương pháp huấn luyện mới vào công việc. Hơn nữa, hằng năm, các HLV không thường xuyên tự đánh giá kết quả việc thực hiện kế hoạch huấn luyện nhằm tìm ra nguyên nhân thành công hay thất bại, không rút ra được những bài học kinh nghiệm cần thiết; từ đó, dẫn đến khả năng tổng kết và xây dựng kế hoạch huấn luyện trung hạn, dài hạn của từng HLV chưa đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, do khó khăn kinh phí, các HLV chưa thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nên khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác huấn luyện VĐV trình độ cao.
Để giải quyết “bài toán” HLV, ngành TDTT đã phân công lại một số HLV chính thôi làm công tác quản lý và chuyển sang trực tiếp huấn luyện.
Cùng với việc tổ chức bồi dưỡng kỹ năng tin học, ngoại ngữ để các HLV kịp thời cập nhật thông tin, tìm hiểu các phương pháp huấn luyện hiện đại, mời các chuyên gia đầu ngành về trực tiếp giảng dạy, theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Nguyễn Trọng Thao, ngành TDTT cũng đã có những giải pháp khả thi khác:
“Chúng tôi đã và đang có kế hoạch cử HLV đi đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực và phương pháp huấn luyện mới; trong đó, ưu tiên cử các HLV trẻ đi bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn tại nước ngoài; đồng thời, các chuyến tập huấn, thi đấu nước ngoài sẽ giúp HLV nắm bắt công tác huấn luyện VĐV của các nước có nền thể thao mạnh”.
Gần đây nhất, HLV Bơi Phạm Trường Giang đã được cử tham dự khóa đào tạo dài hạn tại Hungary theo thư mời của Ủy ban Olympic Hungary và CLB Bơi BVSC - Zugló (2018-2020). Ông Đặng Đông Hải cho biết, đây là giải pháp hữu hiệu nhất, đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu phát triển thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng.
Việc đào tạo với chu kỳ từ 1-2 năm tại các nước có nền thể thao tiên tiến, bảo đảm đủ điều kiện để HLV học tập, nâng cao trình độ. Ngoài ra, cùng với việc chỉ đạo thi đấu trong nước, các HLV cần được tạo điều kiện tham gia chỉ đạo ở các giải quốc tế. Có như thế, các HLV mới được học tập, nâng cao trình độ huấn luyện, chỉ đạo thi đấu, làm nền tảng cho sự phát triển thể thao thành tích cao của Đà Nẵng ngày càng tốt hơn.
BẢO AN