Trung tâm đào tạo quần vợt Đà Nẵng: "Bệ phóng" cho Tennis Đà Nẵng

.

Trước khi Trung tâm đào tạo quần vợt Đà Nẵng (Danang Tennis Training Center - DTTC) được thành lập, ước mơ vươn tới đỉnh cao của Quần vợt Đà Nẵng gần như không thể.

Bằng năng lực chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm rất cao, Giám đốc Điều hành Trương Quang Vũ (trái) và Giám đốc Kỹ thuật Dimitri Penev (phải) đã mang lại sinh khí mới cho Quần vợt Đà Nẵng, thông qua hoạt động hiệu quả của DTTC. Ảnh: ANH VŨ
Bằng năng lực chuyên môn cùng tinh thần trách nhiệm rất cao, Giám đốc Điều hành Trương Quang Vũ (trái) và Giám đốc Kỹ thuật Dimitri Penev (phải) đã mang lại sinh khí mới cho Quần vợt Đà Nẵng, thông qua hoạt động hiệu quả của DTTC. Ảnh: ANH VŨ

Sau khi Huỳnh Phương Đài Trang trở về đầu quân cho TP. Hồ Chí Minh, dù rất nỗ lực, bộ đôi Phan Thị Thanh Bình - Đỗ Đan Thy không thể giúp Quần vợt Đà Nẵng bước lên vị trí cao nhất. Trong khi đó, tay vợt nam Phạm Minh Tuấn thường xuyên thúc thủ khi đối mặt Nguyễn Hoàng Thiên (TP. Hồ Chí Minh) hay Lý Hoàng Nam (Bình Dương). Không những thế, một số tay vợt trẻ lại vướng những vấn đề xã hội… càng khiến Quần vợt Đà Nẵng thêm ảm đạm.

Thế nhưng, không lâu sau đó, DTTC đã mang lại những niềm vui cùng hy vọng rất lớn, không chỉ quần vợt mà còn với thể thao Đà Nẵng. Tuyển mộ thành công tay vợt mang hai dòng máu Việt - Hungary Fodro Scilla, chỉ trong một thời gian ngắn, DTTC đã biến cô gái này cùng Phan Thị Thanh Bình trở thành những nhà vô địch tuyệt đối của quần vợt nữ Việt Nam khi giành trọn bộ 3 HCV đơn nữ, đôi nữ, đồng đội nữ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018). Không những thế, các tay vợt này tiếp tục thăng hoa tại giải Quốc tế 100 Plus Championship Thailand khi Fodor Scilla giành HCV đơn nữ, Phan Thị Thanh Bình giành HCĐ đơn nữ và bộ đôi này giành HCV đôi nữ. Bên cạnh đó, các tay vợt trẻ của DTTC cũng thi đấu khá thành công với HCV đơn nam U16 của Phạm Tuấn Long, HCV đơn nam U14 của Phạm Hoàng Hiếu tại giải Mandiri Junior Super Series XI rồi HCV đơn nam U14 của Phạm Tuấn Long, HCB đôi nam U16 của Phạm Hoàng Hiếu, HCV đôi nam U12 của Phạm Tuấn Hưng, HCB đơn nữ U16 của Trần Thị Trà My, HCB đôi nữ U16 của Tòng Thị Nguyên tại giải Impact Junior #2 Thailand.

Cách làm của DTTC thể hiện sự chuyên nghiệp khi đội ngũ HLV của DTTC là những người có kinh nghiệm tốt, trình độ chuyên môn cao, am hiểu thực trạng Quần vợt Việt Nam và có khả năng đào tạo VĐV tiếp cận các giải đấu trong hệ thống Quần vợt thế giới ATP dành cho nam và WTA dành cho nữ. Cách quản lý, tập luyện của DTTC cũng khác hẳn trước kia khi hằng tuần, ngoài 9 buổi tập trên sân, các VĐV còn có 5 buổi học văn hóa và 3 buổi học ngoại ngữ. Đồng thời, Giám đốc Điều hành DTTC Trương Quang Vũ cho biết, với sự hợp tác của ông Dimitri Penchev - HLV cấp 3 quốc gia Canada, DTTC đã gặt hái được một số thành công đáng kể chỉ sau 3 tháng hoạt động mà theo dự kiến các VĐV phải cần đến 6 tháng mới đạt được những kết quả ấy.

Hướng tới tương lai theo cách làm chuyên nghiệp, DTTC chỉ tiếp nhận được 3 VĐV chuyên nghiệp cùng 1 VĐV trẻ sau khi nhận bàn giao từ ngành TDTT và hiện tại DTTC tập trung tuyển chọn đa số các VĐV 6-16 tuổi. Dù chỉ mới 12/50 VĐV ký hợp đồng chuyên nghiệp song chắc hẳn, trong tương lai không xa, số VĐV ký hợp đồng chuyên nghiệp cũng sẽ tăng tương ứng với những thành quả DTTC đạt được. Cũng theo ông Trương Quang Vũ, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) đang có xu hướng chọn DTTC trở thành nơi tập luyện cho đội tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Davis Cup và SEA Games. Bên cạnh đó, DTTC đã chủ động kết nối với các học viện, trung tâm đào tạo VĐV chuyên nghiệp nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo và hiện đã có kế hoạch hợp tác cùng Nhật Bản và Tây Ban Nha. Với cách làm chuyên nghiệp, mục tiêu là nơi đào tạo, cung cấp các VĐV đội tuyển trẻ, quốc gia tham dự các giải Junior ITF, Fed Cup, Davis Cup và hệ thống Junior Grand Slam sau 7 năm hoạt động của DTTC sẽ không quá xa vời…

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.