Xu hướng cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu dần trở thành xu hướng tất yếu của bóng đá nội. Về lâu về dài, cầu thủ Việt Nam muốn nâng cao trình độ thì việc ra nước ngoài, đá bóng ở các giải đấu có đẳng cấp cao hơn cũng là điều nên làm.
Để nâng cao trình độ, việc cầu Việt Nam xuất ngoại, hướng về các giải đấu có chất lượng cao hơn gần như là điều bắt buộc |
Một khi các đội tuyển Việt Nam gây tiếng vang ở các giải đấu quốc tế, đặc biệt là các giải đấu tầm châu Á, thì việc các CLB nước ngoài để mắt đến cầu thủ Việt Nam là điều trước sau gì cũng xảy ra.
Đặng Văn Lâm (đến Muangthong United – Thái Lan), Lương Xuân Trường (Buriram United – Thái Lan) và Nguyễn Công Phượng (Incheon United – Hàn Quốc) là những cầu thủ đi tiên phong, cho trào lưu cầu thủ nội xuất ngoại, đến với các giải đấu lớn hơn giải V-League, sau thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019.
Tiếp theo sau họ, nhiều tuyển thủ khác từng khoác áo đội tuyển quốc gia ở 2 giải đấu nói trên, như Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng… cũng có khả năng ra nước ngoài thi đấu.
Trình độ của các cầu thủ Việt Nam đang tăng lên, sức hấp dẫn của các CLB nước ngoài, với những bản hợp đồng cao giá, có thể giúp các bên tìm được tiếng nói chung trong thời gian tới, đấy gần như là xu thế không thể tránh khỏi của bóng đá chuyên nghiệp.
Ở chiều ngược lại, muốn nâng cao trình độ, đạt đến tầm mức khác so với chính mình bây giờ, thì việc xuất ngoại là điều cũng gần như bắt buộc đối với cầu thủ nội.
Khách quan mà nói, trình độ của V-League nói chung hiện tại vẫn còn hạn chế, nếu so với mặt bằng của giải Thai-League (nơi Đặng Văn Lâm và Lương Xuân Trường vừa đầu quân), hay K-League (giải đấu mà Công Phượng sắp thi đấu ở mùa giải 2019), hoặc một số giải đấu khác tầm châu Á hoặc thậm chí có thể là châu Âu (trong trường hợp Quang Hải ra nước ngoài).
Việc thi đấu ở các giải đấu lớn hơn sẽ là môi trường tốt cho các cầu thủ nội phát triển tối đa tiềm năng của từng người, nếu họ tìm được bến đỗ phù hợp.
Chắc chắn việc thường xuyên được đá bóng trong môi trường có tính cạnh trạnh cao, trải qua nhiều trận cầu có chất lượng ở các giải Thai-League và K-League sẽ giúp những Đặng Văn Lâm, Lương Xuân Trường và Nguyễn Công Phượng được nâng cao bản lĩnh, tích luỹ nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế, làm quen với các phong cách và trường phái bóng đá khác nhau.
Ngoài ra, cơ hội được thi đấu và được cạnh tranh về mặt thành tích tại đấu trường AFC Champions League, nơi các CLB Muangthong United, Buriram United (Thái Lan) và Incheon United (Hàn Quốc) sẽ là những cơ hội mà nếu Đặng Văn Lâm, Xuân Trường và Công Phượng đá bóng tại V-League, họ sẽ không bao giờ tiếp cận được (ngoại trừ B.Bình Dương cách nay vài mùa giải, hầu hết các CLB tại V-League không có ý thức cạnh tranh tại cúp châu Á)
Quang Hải hay Đoàn Văn Hậu cũng sẽ có cơ hội tương tự nếu như họ ra nước ngoài thi đấu, thay vì ở lại trong nước, quanh quẩn với giải V-League. Tại V-League, thế độc tôn của một vài CLB trong tay một ông chủ sở hữu cùng lúc nhiều đội bóng ngày một lớn.
Điều này về lâu về dài không có lợi cho bóng đá Việt Nam, vì nó làm giảm tính cạnh tranh của giải quốc nội, giảm ý chí phấn đấu của nhiều CLB khác không thuộc sở hữu của bầu Hiển (như ông bầu Trịnh Văn Quyết của CLB FLC Thanh Hoá ngày nào, khi rút khỏi bóng đá đã phải chua chát thốt lên rằng có đầu tư bao nhiêu cũng khó mà chen chân đến ngôi vô địch V-League). Mà giải đấu có tính cạnh tranh không cao thì chất lượng của cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng.
Nhìn ra bình diện quốc tế, 2 đội tuyển vào chung kết World Cup 2018 là Pháp và Croatia đều là các quốc gia “xuất khẩu” cầu thủ thuộc vào loại hàng đầu trên thế giới. Cầu thủ của các nền bóng đá này ra khỏi biên giới nước mình, chơi bóng tại các giải đấu có trình độ cao hơn giải quốc nội của chính họ (La Liga của Tây Ban Nha, Premier League của Anh, Serie A của Italia…), được nâng cao trình độ, rồi quay trở về giúp cho đội tuyển quốc gia của từng nước đạt đến trình độ mới!
Theo Dân trí