Một thời gian dài, bóng đá trẻ Đà Nẵng gần như mất hút ở vòng chung kết các giải Trẻ quốc gia; đồng thời, nguồn cung cho CLB chuyên nghiệp cũng bị giới hạn; khiến bóng đá Đà Nẵng mất dần bản sắc. Vì vậy, việc điều chỉnh chiến lược kịp thời đã tạo đột phá cho bóng đá trẻ của thành phố.
Phan Văn Long (áo cam), một trong những gương mặt trẻ xuất sắc của bóng đá Đà Nẵng đã trưởng thành và đang trở thành một trong những trụ cột của CLB SHB Đà Nẵng tại VLeague 2019. |
Mới đây, trong quyết định của UBND thành phố vừa được ban hành về việc “Điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” đã có sự quan tâm khi đưa Bóng đá vào nhóm 1, được ưu tiên đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước phân bổ phù hợp, cùng với một số môn thể thao như Điền kinh, Bơi lội, Canoeing và Kayak, Rowing, Cử tạ, Taekwondo và Judo.
Đối với Bóng đá, Sở Văn hóa-Thể thao được giao nhiệm vụ “chịu trách nhiệm liên hệ và hợp đồng với đơn vị có chuyên môn trong việc đào tạo các tuyến bóng đá trẻ, theo chỉ tiêu HLV, VĐV đã được phê duyệt”; trong đó, các tuyến U11, U13, U15, U17, U19 và U21 trong 2 năm 2019 và 2020 là 215 VĐV với sự dẫn dắt của 18 HLV; đồng thời, cứ 6 tháng một lần, các VĐV sẽ được kiểm tra để chuyển lên tuyến trên, nếu đạt yêu cầu hoặc trả về nếu không đáp ứng chuyên môn. Ngoài ra, các đội trẻ phải đạt mục tiêu lọt vào vòng chung kết và phấn đấu có huy chương tại các giải trẻ quốc gia hằng năm.
Bóng đá trẻ Đà Nẵng từng một thời thành công; đáng kể nhất là 3 danh hiệu vô địch của đội U17 (2010, 2011, 2013) và 3 danh hiệu vô địch của đội U21 (2003, 2008, 2009). Tuy nhiên, năm 2013, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) không hỗ trợ đầu tư cho 2 tuyến U11 và U13. Vì thế, bóng đá trẻ Đà Nẵng chỉ đào tạo căn bản từ lứa U15; dẫn đến bóng đá trẻ Đà Nẵng mất “chân đế” khiến các đội trẻ Đà Nẵng không có thành tích tốt và CLB SHB Đà Nẵng cũng thiếu hụt lực lượng kế cận. Không thể quên, từ những đội trẻ, hàng loạt cầu thủ đã trưởng thành và thành danh cả trong màu áo CLB cũng như đội tuyển quốc gia như Quốc Anh, Phước Vĩnh, Nguyên Sa, Phan Thanh Hưng, Hà Minh Tuấn…
Đến năm 2017, với sự hỗ trợ của thành phố, nhà tài trợ SHB chấp nhận đầu tư trở lại theo đúng lộ trình, bóng đá trẻ Đà Nẵng từng bước khởi sắc và đội U17 đã giành được HCĐ tại giải U17 quốc gia 2018. Bước vào năm 2019, bóng đá trẻ Đà Nẵng thực sự chuyển mình mạnh mẽ khi ngoài U17 không giành được vé vào vòng chung kết do gặp những đối thủ rất mạnh từ vòng loại, các đội trẻ còn lại đều khẳng định được mình khi các đội U13, U15 và U19 đều giành được HCĐ tại giải Vô địch toàn quốc 2019. Trong khi đó, đội U21 với đa phần các cầu thủ U19, không chỉ giành quyền thăng hạng nhì ở mùa giải này và trụ hạng thành công trước 3 vòng đấu mà còn giành được HCĐ môn Bóng đá Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 8 (2018).
Đánh giá về hiệu quả đào tạo trẻ của bóng đá Đà Nẵng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng và là HLV trưởng đội hạng nhì Đào Quang Hùng khẳng định: “Đà Nẵng là một trong những trung tâm đào tạo nên những cầu thủ xuất sắc của bóng đá Việt Nam. Đáng tiếc, do những yếu tố khách quan nên trong quá khứ, việc đào tạo trẻ của bóng đá Đà Nẵng bị gián đoạn thời gian khá dài. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thành tích của các đội trẻ mà còn tạo nên hiệu ứng không tốt cho CLB chuyên nghiệp. Tuy nhiên, nhìn vào thành tích của các đội trẻ Đà Nẵng, chúng tôi tin rằng, công tác đào tạo trẻ của bóng đá Đà Nẵng đang đi đúng hướng”.
Trong hành trình phía trước, thầy trò HLV Đào Quang Hùng vẫn còn mục tiêu chinh phục khi sắp tiếp tục thi đấu 3 trận còn lại của vòng loại U21 (bảng B) tại Kon Tum để giành vé vào chung kết. Không những thế, với việc giải Bóng đá U21 quốc tế 2019 tổ chức tại Đà Nẵng (từ ngày 27-10 đến 10-11) và đội trẻ SHB Đà Nẵng được khoác áo đội tuyển Việt Nam 2 cũng phần nào cho thấy, niềm tin của những người làm bóng đá dành cho bóng đá Đà Nẵng là có cơ sở bởi tương lai của bóng đá Đà Nẵng đang bắt đầu trở lại, từ hôm nay…
NGUYÊN AN