Thể dục dụng cụ là nội dung thế mạnh mà thể dục dụng cụ Việt Nam đã độc chiếm huy chương vàng trong 2 kỳ SEA Games gần nhất, nên ban huấn luyện và các vận động viên rất tiếc nuối.
Vận động viên thi đấu nội dung vòng treo đơn nam ở môn Thể dục dụng cụ. (Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN) |
Dù thể dục dụng cụ từng là một mỏ vàng của thể thao Việt Nam, nhưng tại kỳ SEA Games lần này, toàn đội đều xác định giải đấu rất khó khăn, và có thể giành 2-3 huy chương vàng đã là thành công.
Khó khăn đầu tiên với đội tuyển nam là nước chủ nhà Philippines đã bỏ đi nội dung đồng đội nam.
Đây là nội dung thế mạnh mà thể dục dụng cụ Việt Nam đã độc chiếm huy chương vàng trong 2 kỳ SEA Games gần nhất, nên ban huấn luyện và các vận động viên rất tiếc nuối.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự tiến bộ của chủ nhà Philippines. Đặc biệt, năm nay họ có vận động viên Carlos Yulo, mới 19 tuổi, nhưng anh đã thể hiện tài năng của mình.
Tại giải vô địch thế giới 2019, Carlos Yulo giành huy chương vàng nội dung tự do và lọt vào top 10 thế giới toàn năng. Anh sẽ là thách thức với các vận động viên Việt Nam ở tất cả các nội dung đơn môn.
Như mọi năm, thể dục dụng cụ Việt Nam tập trung vào 3 thế mạnh chính là xà kép, cầu treo, và nhảy chống.
Ba nội dung này đặt hy vọng vào 3 vận động viên Đinh Phương Thành, Đặng Nam và Lê Thanh Tùng. Trong đó Lê Thanh Tùng, người giành tấm vé dự Olympic 2020 đầu tiên của thể dục dụng cụ Việt Nam, chính là gương mặt sáng giá nhất.
Bên cạnh 3 cái tên quen thuộc Thanh Tùng, Phương Thành và Đặng Nam, năm nay đội tuyển thể dục dụng cụ nam giới thiệu thêm một cái tên mới là Văn Vỹ Lương.
Mới 19 tuổi, nhưng anh rất tự tin với nội dung sở trường ngựa vòng trong kỳ SEA Games đầu tiên của mình.
Đội nam đã khó, đội nữ càng khó hơn. Sau thế hệ của Hà Thanh, thể dục dụng cụ nữ Việt Nam vẫn chưa có lớp kế cận đủ tài năng.
Tại SEA Games lần này, đội cử đi chủ yếu các vận động viên trẻ để cọ sát và tích lũy kinh nghiệm. Mục tiêu giành 2-3 huy chương vàng lần này là không hề đơn giản với thể dục dụng cụ Việt Nam.
Theo Vietnam+