Người đứng giữa lằn ranh

.

ĐNO - Trận đấu giữa U22 Việt Nam và U22 Singapore khép lại với tỉ số sít sao 1-0, toàn đội Việt Nam rời sân trở về khách sạn, chỉ riêng Hà Đức Chinh - người hùng của trận đấu ở lại để... kiểm tra doping theo một yêu cầu đột xuất từ phía Ban tổ chức Seagames 30.

Ảnh: QUYẾT THẮNG
Đức Chinh chơi xông xáo giữa vòng vây các cầu thủ U22 Singapore. Ảnh: QUYẾT THẮNG

Đây là một tình huống ngẫu nhiên, nhưng phần nào nói lên tình hình của Đức Chinh hiện tại: Bản thân tiền đạo đang thuộc biên chế SHB Đà Nẵng luôn phải đứng giữa lằn ranh của tích cực và tiêu cực, giữa tin tưởng và nghi ngờ, giữa chấp thuận và tranh cãi. 

Trong hành trình thành công của bóng đá Việt Nam suốt 2 năm qua, dẫu thường xuyên được HLV Park Hang Seo điền tên vào danh sách cuối cùng ở các giải đấu, bao gồm cả U22, U23 và đội tuyển quốc gia, Hà Đức Chinh vẫn chỉ đóng vai trò "kép phụ", sức ảnh hưởng của anh mờ nhạt hơn rất nhiều nếu so với những đồng đội khác. Khoảnh khắc bùng nổ mà người ta nhớ nhất về Hà Đức Chinh ở cấp độ đội tuyển, cho đến nay, có lẽ là pha làm bàn vào lưới U23 Iraq tại Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018 ở Thường Châu. 

Trở về từ hào quang lịch sử ở Trung Quốc, những tưởng Đức Chinh sẽ thực sự "bật dậy" để trở thành tiền đạo chủ lực ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển, nhưng rồi, những màn trình diễn vô duyên ở nhiều trận đấu sau đó, chấn thương dài hạn khiến phong độ của Đức Chinh có phần nhạt nhòa.

Dần dần, anh trở thành cái tên hứng chịu sự "ném đá" của dư luận, của giới chuyên môn mỗi khi được HLV Park Hang Seo triệu tập lên tuyển, chỉ có ông thầy người Hàn Quốc vẫn kiên định với lựa chọn của mình, dành cho anh sự tin tưởng tuyệt đối. Suốt cả năm 2018 và nửa đầu 2019, hầu như dư luận không nhắc tới đóng góp của Đức Chinh ở Thường Châu nữa, thay vào đó là sự công kích mà tiếng Anh hay gọi là "bully". 

Hà Đức Chinh trong ngày trở về CLB SHB Đà Nẵng, sau khi cùng U23 Việt Nam giành thắng lợi lịch sử ở Thường Châu năm 2018. Ảnh: XUÂN SƠN
Hà Đức Chinh trong ngày trở về CLB SHB Đà Nẵng, sau khi cùng U23 Việt Nam giành thắng lợi lịch sử ở Thường Châu năm 2018. Ảnh: XUÂN SƠN

Thế rồi, khi Anh Đức "gừng càng già càng cay", khi Tiến Linh ghi bàn đều đặn thì Đức Chinh trở thành sự lựa chọn thứ 3 cho vị trí trung phong cắm trên hàng công đội tuyển Việt Nam. Phải mất nửa năm sau ngày ghi bàn thắng vào lưới U23 Thái Lan ở vòng loại U23 châu Á tại sân Mỹ Đình, Đức Chinh mới lại lên tiếng ở một giải đấu chính thức cho đội tuyển khi "nã" một lèo 4 bàn thắng vào lưới Brunei trong ngày khai màn môn bóng đá nam ở Seagames 30.

Con số này chưa nói lên nhiều điều về chuyên môn, bởi Brunei là một đối thủ yếu, nhưng lại như một liều thuốc tinh thần hữu hiệu với tiền đạo trẻ mang áo số 9 để anh ngày một chững chạc hơn qua từng trận đấu. Và bàn thắng muộn vào lưới U22 Singapore tối qua là một ghi nhận cho sự trưởng thành của Chinh "đen" cho đến giờ phút này.

Điều đặc biệt là 4/5 bàn thắng của Đức Chinh ở giải lần này là những bàn thắng bằng đầu. Điều này khiến giới chuyên môn và người hâm mộ liên tưởng tới danh thủ Miroslav Klose của đội tuyển Đức tại World Cup 2002. So sánh Đức Chinh và Klose sẽ là khập khiễng ở đẳng cấp, nhưng sự tương đồng ở hoàn cảnh của họ là có.

Năm đó, Klose trong đợt trình làng giải đấu lớn nhất hành tinh đã ghi cả 5 bàn thắng bằng đầu, lọt top vua phá lưới. Một điều tương đồng nữa giữa cả hai, chính là luôn ở giữa lằn ranh phong độ. Ở câu lạc bộ quốc nội, cả hai gần như mờ nhạt, nhưng lên tuyển thì lại bùng nổ. Những HLV ở đội tuyển quốc gia cũng chỉ mong đến vậy.

Điều đáng phục ở Đức Chinh là sau mỗi chỉ trích, tiền đạo này chỉ đáp lại bằng nỗ lực trên sân cỏ thay vì trả lời hay phản bác với dư luận. Trên trang cá nhân, người ta thấy Chinh như một "cây hài" của đội bóng, với những bức ảnh vui vẻ bên những người bạn thân như Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu... rồi sau đó lại thấy anh ra sân, miệt mài trong từng bước chạy.

Anh Đức vừa giải nghệ, HLV Park Hang Seo còn trong tay 2 trung phong cắm chất lượng là Đức Chinh và Tiến Linh. Sự cạnh tranh của cả 2 cho suất đá chính trên hàng công là tín hiệu tốt của bóng đá Việt Nam sau những năm tháng mòn mắt đi tìm một tiền đạo cắm chất lượng, sau thế hệ của những Huỳnh Đức hay Công Vinh. Sự thiếu thốn đó đã được minh chứng khi nhiều HLV của đội tuyển thời kỳ trước đã từng đôn Mạc Hồng Quân - một tiền vệ giỏi nhưng có thể hình to cao lên đá tiền đạo cắm, điều này vô tình khiến chân sút Việt kiều này mờ nhạt và cũng chịu chỉ trích.

Mùa sau, SHB Đà Nẵng đã không còn Đỗ Merlo, sự thăng hoa của Đức Chinh ở tuyển sẽ thêm hy vọng cho sự trở lại của đội bóng. Bản thân tiền đạo này có lẽ cũng hiểu vận hội đang tới với mình, ngay từ đất Manila.

Trong bóng đá, ranh giới, lằn ranh giữa người hùng và tội đồ rất mong manh. Hôm nay đá hay được tung hô, ngày mai đá tệ bị công kích. Người đồng đội của Đức Chinh là thủ môn Bùi Tiến Dũng cũng đang hứng chịu cảm giác của "kẻ tội đồ", mặc dù chỉ mới đầu năm ngoái, anh còn là người hùng của đội tuyển U23 tại Thường Châu. 

Đức Chinh đã quá quen với việc đứng giữa lằn ranh đó, và SEA Games lần này là cơ hội để anh quyết định vai trò của mình. Lẽ đương nhiên, phong độ của Đức Chinh góp phần quyết định số phận của U22 Việt Nam trên hành trình tại SEA Games lần này. Hình ảnh của Chinh cũng là hình ảnh của đội tuyển lần này. Đội tuyển, dù đã toàn thắng 4 trận, vẫn còn chênh vênh giữa lằn ranh bị loại - đi tiếp, trận đấu với U22 Thái Lan sẽ là trận sống còn cho ước mơ lấy vàng của chúng ta. 

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.
.