Thể thao Đà Nẵng - kinh nghiệm từ SEA Games 30

.

Đặt ra mục tiêu giành 3-4 HCV - trong đó, có 1 HCV tập thể của bóng đá nam - song VĐV Đà Nẵng chỉ gặt hái được 2 HCV, 3 HCB và 8 HCĐ...

Dù đạt được những thông số chuyên môn rất tốt những trước sự cạnh tranh từ những đối thủ rất mạnh, “kình ngư” Hoàng Quý Phước không thể giành được thành tích huy chương như mong muốn.       					        Ảnh: ANH VŨ
Dù đạt được những thông số chuyên môn rất tốt những trước sự cạnh tranh từ những đối thủ rất mạnh, “kình ngư” Hoàng Quý Phước không thể giành được thành tích huy chương như mong muốn. Ảnh: ANH VŨ

Nếu chỉ nhìn vào con số huy chương, hẳn nhiên, không thể xem đó là thành công của 5 chuyên gia, HLV và 17 VĐV Đà Nẵng trong màu áo đoàn Thể thao Việt Nam trên đất Philippines. Thế nhưng, với thành tích HCV của nữ VĐV Trần Thị Ánh Tuyết (hạng 53kg nữ) ở môn Taekwondo cần được ghi nhận đúng mức nếu biết rằng, cô gái người Hòa Châu (huyện Hòa Vang) này là một trong 3 tuyển thủ mang về danh hiệu vô địch đối kháng cho Taekwondo Việt Nam tại đấu trường SEA Games 30. Ngay cả “kình ngư” Hoàng Quý Phước, dù chỉ đóng góp 1 HCB, 4 HCĐ - trong đó, có 2 HCĐ cá nhân - song những thông số VĐV này đạt được cũng hết sức khả quan.

Trong đó, trên đường bơi 200 mét tự do, Hoàng Quý Phước hoàn thành với thời gian 1 phút 48 giây 59, vượt thành tích HCV của chính anh tại SEA Games 28 (2015) là 1 phút 48 giây 96. Chưa kể, “dị nhân sông Hàn” còn đối mặt với những đối thủ rất mạnh như Yi Shou Chua Darren, Joseph Schooling Isaac (Singapore) hay Welson Sim Wee Sheng (Malaysia) trong cả 2 nội dung cá nhân 100 mét và 200 mét tự do. Bên cạnh đó, việc nước chủ nhà có những thay đổi ở một số nội dung thế mạnh của Đà Nẵng ở môn đua thuyền Rowing hay chuyển môn Đi bộ 20km thành 10km… cũng gây nên không ít khó khăn cho các VĐV Đà Nẵng.

Những kết quả trên cho thấy, phần lớn các VĐV được tuyển chọn thi đấu tại SEA Games 30 đều nằm trong nhóm các môn Olympic, được định hướng và tập trung đầu tư thời gian qua như Bóng đá, Đua thuyền, Điền kinh, Bơi, Taekwondo; bên cạnh các môn được xã hội hóa trong đào tạo như Bóng rổ, Quần vợt. Mặt khác, công tác đào tạo của Trung tâm Huấn luyện - Đào tạo VĐV rất phù hợp khi hợp đồng chuyên gia nước ngoài, huấn luyện viên giỏi trong nước về huấn luyện cho VĐV xuất sắc. Bên cạnh đó, ngoài các tuyển thủ đang tập trung và được đi tập huấn theo đội tuyển quốc gia, các VĐV không nằm trong thành phần đội tuyển quốc gia cũng được thành phố cử đi tập huấn tại Hungary, Hàn Quốc và thi đấu các giải quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn, thể lực, tâm lý, kỹ thuật, chiến thuật.

Song, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Nguyễn Trọng Thao cho biết: “Dù gặt hái được một số kết quả đáng khích lệ nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận khi các HLV, VĐV chưa đánh giá đúng năng lực của đối thủ cạnh tranh, công tác bảo đảm an toàn cho VĐV trong quá trình tập luyện trước thi đấu chưa bảo đảm, khiến VĐV gặp chấn thương, dẫn đến phạm các lỗi kỹ thuật trong môn Đi bộ hoặc VĐV các môn Jujit-su, Đua thuyền không đạt thành tích mong muốn. Ngoài ra, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Phạm Thị Huệ, Dương Thị Thanh Minh đã lớn tuổi, qua thời kỳ đỉnh cao nên cũng khó đòi hỏi nhiều ở các VĐV chủ lực này”.

Hướng tới tương lai và gần nhất, chuẩn bị lực lượng VĐV thể thao thành tích cao tham dự Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 (2022), ngành TDTT thành phố đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện VĐV; tiếp tục ưu tiên cử những VĐV xuất sắc đi tập huấn, thi đấu các giải thể thao quốc tế nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn.

Công tác tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV trẻ, xây dựng lực lượng kế thừa cũng được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc theo dõi, đánh giá các đối thủ cạnh tranh trước mỗi giải thi đấu để đưa ra chiến thuật thi đấu phù hợp cần đặc biệt quan tâm. Và SEA Games 30 được xem là một cơ hội để ngành TDTT thành phố nhìn lại mình cũng như tìm được hướng phát triển để có sự đóng góp tốt nhất cho Thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games 31 (2021) mà Việt Nam sẽ là nước chủ nhà…

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.