Đến với cầu lông như một sự ngẫu nhiên nhưng môn thể thao này luôn cuốn hút nên năm 1999, từ thành tích ở Hội khỏe Phù Đổng thành phố, cậu bé Lê Minh Trí được tuyển vào Trường Năng khiếu Thể dục-Thể thao (TD-TT) Đà Nẵng. Do nhiều yếu tố khách quan, sau một thời gian ngắn, Lê Minh Trí phải chia tay lớp năng khiếu nhưng vẫn gắn bó với niềm yêu thích cầu lông mãnh liệt và tiếp tục, từng bước nỗ lực rèn giũa bản thân.
Cùng những đóng góp cho cầu lông Đà Nẵng bằng việc tổ chức và tài trợ giải đấu, Lê Minh Trí (áo trắng) còn muốn truyền niềm đam mê của mình qua việc hướng dẫn nâng cao cho các VĐV. Ảnh: ANH VŨ |
Như Trí thừa nhận, những cố gắng của mình không thừa khi tại Đại hội TD-TT thành phố Đà Nẵng 2006, anh đã giành HCV đơn nam và HCV đôi nam - nữ môn cầu lông. Tuy nhiên, việc không được tập luyện, nghỉ ngơi đúng chế độ dẫn đến quá nhiều chấn thương, buộc anh phải dừng thi đấu. Từng bị gia đình phản đối bởi chấp nhận bỏ tấm bằng cử nhân Kinh tế để theo đuổi sở thích, Lê Minh Trí thừa nhận chưa bao giờ hối hận khi gắn bó với “nghiệp” cầu lông.
Không thể thi đấu, anh bước vào kinh doanh trang - thiết bị cầu lông. Quá thiếu kinh nghiệm ở một lĩnh vực mới, những năm đầu với Lê Minh Trí là những thất bại liên tiếp. Kiên trì như cách theo đuổi cầu lông, dần dà, cửa hàng trang - thiết bị thể thao của anh cũng thu hút được khách hàng là những VĐV cầu lông, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp và không chỉ ở Đà Nẵng.
Cũng trong giai đoạn này, không được thi đấu nhưng với kỹ năng vốn có cùng kinh nghiệm tích lũy khi còn thi đấu, Lê Minh Trí mở các lớp hướng dẫn cho những người mới đến với cầu lông. Vào lúc cao điểm, số lượng học viên của lớp lên đến 250 người! Thế nhưng, sự khát khao đóng góp của anh không chỉ dừng ở đó.
“Khi công việc kinh doanh phát triển và có được sự gợi ý, tôi nghĩ ngay đến việc tổ chức giải đấu với mong muốn tạo một sân chơi cho những người yêu thích cầu lông. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là bảo đảm sự công bằng dù ở mức tương đối và quan trọng, góp phần để mọi người rèn luyện sức khỏe, tạo niềm vui cho những người tham gia, chung tay xây dựng và phát triển phong trào cầu lông của thành phố”, Trí cho biết.
Sau thành công của giải cầu lông tranh Cúp Bi Badminton lần 1 (2019) được tổ chức tại Cung Thể thao Tiên Sơn với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Ngay sau khi Chính phủ gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội do Covid-19, Lê Minh Trí nghĩ ngay đến việc tổ chức một giải đấu và khi được Ngành TD-TT quận Thanh Khê đặt vấn đề phối hợp, lần thứ nhì, với tư cách nhà tài trợ, anh góp phần đáng kể để giải cầu lông các CLB Thanh Khê mở rộng - tranh Cúp Bi Badminton lần thứ 2 (2020) với sự tham gia của gần 400 VĐV đến từ 17 CLB tiêu biểu của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thành công tốt đẹp.
Chắc chắn, những đóng góp của Lê Minh Trí sẽ không dừng lại khi đam mê vẫn nguyên vẹn như những ngày đầu, để sự phát triển của cầu lông Đà Nẵng, vẫn có phần đóng góp đáng kể của anh…
BẢO AN