Lạ lùng V-League

.

Dù một thời, từng tự hào là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á nhưng theo thời gian, V-League đang có hiện tượng “phú quý giật lùi” với những cách làm đi ngược với quy luật vốn có.

Với việc cho Hải Phòng mượn Fagan, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú  (trái sang), Than Quảng Ninh là một trong những CLB V-League cho thấy cách làm khá nghiệp dư trong môi trường bóng đá được xem là chuyên nghiệp! Ảnh: ANH VŨ
Với việc cho Hải Phòng mượn Fagan, Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú (trái sang), Than Quảng Ninh là một trong những CLB V-League cho thấy cách làm khá nghiệp dư trong môi trường bóng đá được xem là chuyên nghiệp!. Ảnh: ANH VŨ

Được xem là một trong số những trung tâm đào tạo trẻ tốt nhất Việt Nam nhưng ở giai đoạn giữa mùa giải, lần lượt, Hà Nội FC rồi Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã chiêu mộ những “lão tướng” đã qua thời đỉnh cao.

Sau khi có được chữ ký của thủ môn Bùi Tấn Trường (34 tuổi), đội đương kim vô địch Việt Nam tiếp tục tuyển dụng “lão tướng” Lê Tấn Tài (36 tuổi). Trong khi đó, HAGL cũng chiêu mộ “lão tướng” Nguyễn Anh Đức (35 tuổi), dù trước đó, Bình Dương đã không tái ký hợp đồng cùng tiền đạo này sau khi V-League 2019 kết thúc. Bất chấp những lý giải như thế nào, việc không sử dụng những cầu thủ trẻ được đào tạo mà phải chiêu mộ những cầu thủ đã qua thời đỉnh cao cho thấy, đó không phải là một tín hiệu tích cực với cả Hà Nội FC lẫn HAGL cũng như với bóng đá Việt Nam.

Than Quảng Ninh cũng khiến người hâm mộ bất ngờ, sau khi đã chính thức trụ hạng thành công và lọt vào nhóm 8 đội tranh ngôi vô địch, bằng cách “chi viện” 3 cầu thủ tốt nhất gồm Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân và Andre Fagan cho Hải Phòng - đội bóng đang xếp thứ 13 sau 11 vòng đấu (giai đoạn 1)! Trong đó, Fagan hiện là chân sút tốt nhất của đội bóng vùng mỏ, còn Nghiêm Xuân Tú lẫn Mạc Hồng Quân luôn là lựa chọn hàng đầu của HLV Phan Thanh Hùng.

Đến độ, phát biểu với báo chí, Fagan thừa nhận, vụ chuyển nhượng này như một trò đùa! Mới đây nhất, lãnh đạo CLB Thanh Hóa lại có kiểu “chỉ đạo” khiến những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam đều bất ngờ. Trong công văn gởi Ban huấn luyện, Công ty TNHH Một thành viên CLB Bóng đá Thanh Hóa ra chỉ tiêu cho đội bóng phải lọt vào nhóm 8 đội dẫn đầu giai đoạn 1 của V-League 2020.

Để đạt mục tiêu, lãnh đạo CLB can thiệp cả việc sắp xếp đội hình cũng như yêu cầu Ban huấn luyện phải… biểu quyết khi thay người ở mỗi trận đấu! Với những thực tế diễn ra ở Hà Nội FC và HAGL, phần nào cho thấy, tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam không hẳn lúc nào cũng dồi dào. Bởi sau lứa Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng… hay Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh…, cả Hà Nội FC lẫn HAGL đều không thể trình làng thêm một gương mặt khả dĩ nào.

Trong khi đó, bằng việc cho mượn những trụ cột, Than Quảng Ninh thể hiện tư duy hết sức nghiệp dư khi chấp nhận “an phận” do đã ở ngưỡng an toàn. Đỉnh điểm của thứ bóng đá nghiệp dư là cách mà lãnh đạo CLB Thanh Hóa “chỉ đạo” Ban huấn luyện trong việc vận hành đội bóng ở những trận đấu còn lại tại V-League 2020. Cho nên, quá khó để hy vọng vào một tương lai phát triển khi những cách nghĩ, cách làm ấy vẫn xuất hiện ở năm thứ 20 của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.