Lượt trận thứ 4 giai đoạn 2 giải Bóng đá Vô địch quốc gia V-League 2020 (ngày 25-10) liên tục xuất hiện những hình ảnh phản cảm. Trước tiên là việc thủ môn Bửu Ngọc (Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) lao 2 chân ra để truy cản tiền đạo Nguyễn Vũ Tín (Sài Gòn FC), khiến đội nhà chịu phạt đền.
Thủ môn Trần Bửu Ngọc (áo đen), một trong những cầu thủ tạo nên những hình ảnh phản cảm ở vòng đấu vừa qua. Ảnh: ANH VŨ |
Sau đó, thủ môn này tiếp tục lao đến tranh cãi, xô đẩy trọng tài Đỗ Thành Đệ và tiếp tục có những cử chỉ gay gắt nhắm về phía trọng tài. Ở những phút bù giờ cũng của trận đấu trên, đến lượt cầu thủ Nguyễn Thanh Thụ (Sài Gòn FC) có pha ném biên nhưng đã ném bóng thẳng vào mặt Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL). Trên sân Nam Định, sau khi nhận thẻ vàng thứ 2, cầu thủ Nguyễn Văn Hạnh (Hải Phòng) đã có ý xông đến hành hung trọng tài Hoàng Ngọc Hà và khi được các cầu thủ Nam Định can ngăn, Văn Hạnh đã đấm vào mặt cầu thủ Phan Văn Hiếu (Nam Định). Những án phạt đã được Ban Kỷ luật (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) công bố nhưng liệu rằng, đã đủ để mang tính răn đe, giúp các cầu thủ điều chỉnh hành vi của mình trong tương lai?
Đáng tiếc, trong những tình huống trên, hầu như các cầu thủ vi phạm đều nhận được sự bảo vệ từ chính những người thầy của mình khi HLV Vũ Tiến Thành khẳng định, Thanh Thụ là cầu thủ hiền lành, đạo đức nhất của Sài Gòn FC. Trong khi đó, việc Bửu Ngọc lao cả 2 chân để truy cản cầu thủ đối phương lại được HLV Nguyễn Văn Đàn đánh giá là tình huống 50/50.
Đáng nói hơn, trên sân Pleiku, trọng tài Đỗ Thành Đệ hoàn toàn không có bất kỳ động thái nào để xử lý Thanh Thụ bởi lỗi hành vi, theo quy định của Luật Bóng đá. Mặt khác, trọng tài này hoàn toàn có thể sử dụng thẻ vàng thứ 2 cho thủ môn Bửu Ngọc do thủ môn này đã có những phản ứng trọng tài vượt quá khuôn phép. Và không chỉ ông Đỗ Thành Đệ, không ít trọng tài thường xuyên bỏ qua những lỗi vào bóng rất nguy hiểm của nhiều cầu thủ. Chính điều đó đã góp phần dung dưỡng lối chơi thô bạo cũng như tạo cho cầu thủ một sự mặc định về khái niệm "chơi rắn" chứ không vi phạm luật. Để rồi, khi bước ra sân cỏ quốc tế, việc cầu thủ Việt Nam bị phạt thẻ trong những trường hợp như thế này không phải là quá hiếm.
Khi được Báo Đà Nẵng đặt câu hỏi về trường hợp Nguyễn Văn Hạnh, chuyên gia Vũ Mạnh Hải khẳng định: "Hành vi của Văn Hạnh không thể chấp nhận khi cậu ấy định đánh cả trọng tài. Nếu ở châu Âu, Văn Hạnh phải nhận thẻ đỏ trực tiếp và còn có thể bị đình chỉ thi đấu ít nhất 5 trận. Phải mất rất nhiều thời gian, chúng ta mới xây dựng được hình ảnh tốt dần của bóng đá nước nhà thì cũng chính những cầu thủ này đã phá hủy những nỗ lực ấy". Trong khi đó, cả HLV Nguyễn Văn Đàn lẫn HLV Vũ Tiến Thành đều bảo vệ học trò theo cách của mình. Dĩ nhiên, các HLV đều có quyền bảo vệ học trò của mình nhưng việc bảo vệ phải dựa trên yếu tố đạo đức. Ngược lại, chẳng khác gì "vẽ đường cho hươu chạy".
Để đến một lúc, khi những cầu thủ tiêm nhiễm thường xuyên cái sai trái, người nhận lãnh hậu quả đầu tiên, chắc chắn là các HLV. Mặt khác, việc dung dưỡng lối chơi thô bạo một khi các trọng tài muốn "đưa trận đấu về đích an toàn", nếu các trọng tài bị phản ứng; thậm chí, bị hành hung, cũng là dễ hiểu. Một khi, cầu thủ hư không chỉ bởi thầy mà còn bắt nguồn từ tâm lý "sợ vỡ trận" của chính những "ông Vua sân cỏ"!
BẢO AN