'Một nửa thế giới' trong thể thao: Từ Trần Hiếu Ngân tới sức mạnh bóng đá nữ Việt Nam

.

Thành công của Thể thao Việt Nam từ trước đến nay ghi dấu sức đóng góp rất lớn của những "bóng hồng", các nữ vận động viên, huấn luyện viên của làng thể thao.

Trần Hiếu Ngân với chiếc huy chương Bạc tại Olympic 2000 đem vinh quang về cho Thể thao Việt Nam. Ảnh: TCTDTT.
Trần Hiếu Ngân với chiếc huy chương Bạc tại Olympic 2000 đem vinh quang về cho Thể thao Việt Nam. Ảnh: TCTDTT.

Tấm huy chương Bạc Thế vận hội Olympic đầu tiên tại Sydney do nữ vận động viên Trần Hiếu Ngân giành được đã khẳng định sức mạnh đột phá của giới nữ trong thể thao Việt Nam.

Tại đấu trường Olympic Sydney 2000, võ sỹ Trần Hiếu Ngân đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam khi đem về tấm huy chương Olympic đầu tiên ở môn taekwondo. Chiếc HCB của Hiếu Ngân khi đó quý như “vàng” cho thể thao nước nhà. Khi đó, võ sĩ quê Phú Yên đã khoác lên mình lá cờ Tổ quốc chạy vòng quanh nhà thi đấu cảm ơn mọi người và Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tại đấu trường lớn nhất thế giới. Việt Nam đã lần đầu tiên ghi danh vào danh sách các nước có huy chương Olympic.

Sau này tại các kỳ Đại hội thể thao châu lục, có thể kể tới rất nhiều HCV mà vận động viên nữ của Việt Nam đã giành được ở các môn như của Quách Thị Lan (Điền kinh), HCV Câu mây đôi nữ ASIAD 15, Đua thuyền nữa tại ASIAD 2018...

Tại các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á hay các kỳ Đại hội thể thao võ thuật trong nhà châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, các vận động viên nữ của Việt Nam đã thi đấu rất ấn tượng như Nguyễn Thị Ánh Viên (môn Bơi) giành số HCV nhiều nhất tại SEA Games từ trước tới nay, qua đó góp phần nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam nói chung.

Ở những môn thể thao Olympic như môn Điền kinh, HCV mà vận động viên nữ của chúng ta giành được ở hai kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á gần đây chiếm tới 2/3 tổng số HCV giành được. Trong đó phải kể đến những cái tên như Vũ Thị Hương, Nguyễn Tú Chinh, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh đã quá quen thuộc với người hâm mộ thể thao nước nhà. Hay sự đóng góp thực sự rất lớn của bóng đá nữ khi có tới 6 lần vô địch SEA Games.

Nhắc tới những đóng góp của các nữ vận động viên trong việc nâng cao vị thế của Thể thao nước nhà trên trường quốc tế không thể không ghi nhớ những chiến công lẫy lững của thế hệ trước như nữ xạ thủ Đặng Thị Đông, xạ thủ Ngô Ngân Hà và nữ “kình ngư” Vũ Thị Sen. Những ví dụ trên đây có thể khẳng định vai trò đóng góp rất lớn của nữ vận động viên trong việc đưa thể thao Việt Nam đến với bạn bè thế giới.

Đội tuyển nữ Việt Nam nhận Huy chương Vàng bóng đá nữ SEA Games 30. Ảnh: TTXVN.
Đội tuyển nữ Việt Nam nhận Huy chương Vàng bóng đá nữ SEA Games 30. Ảnh: TTXVN.

Và ngay cả với môn "thể thao Vua", tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam thực sự là "những cô gái vàng" khi lần thứ 3 đăng quang ngôi vô địch Giải bóng đá Ðông Nam Á. Bằng sức mạnh tập thể, đội tuyển nữ Việt Nam cũng đi vào lịch sử bóng đá khu vực với tư cách là đội bóng xuất sắc nhất lịch sử SEA Games khi có 6 lần đăng quang.

Với thể thao phong trào, sự tham gia đông đảo của nữ giới đã giúp phong trào thể thao quần chúng ngày càng phát triển sâu, rộng. Có thể thấy, trong thời đại ngày nay, người phụ nữ càng hiểu rõ vai trò của thể thao đối với sức khỏe, sắc đẹp của bản thân nên đã sắp xếp thời gian khoa học để tham gia tập luyện thể thao.

Tại tất cả các địa phương, từ vùng đô thị tới thôn xóm, chị em nơi đâu cũng hăng hái tập luyện thể dục thể thao, chính vì vậy các môn thể thao như thể dục thẩm mỹ, thể dục nhịp điệu, thể dục nghệ thuật, zumba, yoga, dance sports, chạy bộ, đạp xe, bóng chuyền, cầu lông... được biết đến, lan tỏa và được lựa chọn để tập luyện nhiều hơn.

Chia sẻ về khó khăn của những huấn luyện viên, vận động viên là nữ giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Lê Thị Hoàng Yến cho biết, hiện tại chế độ chính sách đặc biệt cho nữ gần như là không có. Cụ thể, với chế độ tập luyện ngoài trời thì các nữ huấn luyện viên, vận động viên không có phương tiện bảo vệ sắc đẹp, sức khỏe hay thuốc bổ để phục hồi sau khi tập luyện, chế độ thai sản hay chế độ chính sách về học tập, tạo điều kiện về công ăn việc làm...

Đối với nữ vận động viên, giai đoạn tập luyện thể thao để đạt đến đỉnh cao thường là thời điểm tươi đẹp nhất của người phụ nữ nhưng đó cũng là thời điểm mà các nữ vận động viên phải thường xuyên tập luyện, thi đấu xa nhà. Mặc dù là phái yếu nhưng nhưng cường độ tập luyện rất cao không khác biệt so với các vận động viên nam. Rồi đến khi lập gia đình, ngoài việc đảm bảo tập luyện, thi đấu các vận động viên nữ phải làm tròn thiên chức làm mẹ, chăm sóc gia đình, nỗi lo cơm áo...

“Khi tham gia diễn đàn APEC, tôi được chia sẻ rất nhiều về những chính sách mà các quốc gia áp dụng đặc biệt cho phụ nữ trong thể thao. Tôi rất ấn tượng với chính sách đặc biệt của Nhật Bản đó là quốc gia này cho phép phụ nữ được nghỉ vào chiều thứ Sáu hàng tuần để có thể tham gia tập luyện thể thao. Chính vì vậy, tôi cũng rất hy vọng trong một tương lai không xa, chúng ta sẽ có thể đưa ra được những chính sách ưu tiên, nhằm giảm bớt những gánh nặng và khó khăn cho phụ nữ trong lĩnh vực thể thao mà đặc biệt là vận động viên nữ.” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ.

Vai trò của phụ nữ đối với thể thao, đặc biệt là Thể thao Việt Nam thì vai trò của nữ giới là rất lớn. “Một nửa của thể thao Việt Nam” đang rất cần những quan tâm, chế độ cũng như ghi nhận đặc biệt cho những nỗ lực và cống hiến mỗi ngày.

Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.