Hy vọng một V-League đầy sôi động

.

Những chờ đợi của các CLB V-League đã nhận được câu trả lời khi Đại hội thường niên năm 2020 (khóa VIII) diễn ra vào ngày 20-11 tại Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức thông qua thể thức thi đấu của V-League 2021.  

Để nuôi hy vọng lọt vào nhóm A nhằm hướng đến mục tiêu huy chương, SHB Đà Nẵng (áo cam) cần nỗ lực rất nhiều trong mùa giải mới. Ảnh: ANH VŨ
Để nuôi hy vọng lọt vào nhóm A nhằm hướng đến mục tiêu huy chương, SHB Đà Nẵng (áo cam) cần nỗ lực rất nhiều trong mùa giải mới. Ảnh: ANH VŨ

Về cơ bản, V-League 2021 vẫn giữ nguyên thể thức của mùa giải 2020 ở giai đoạn 1 nhưng bước sang giai đoạn 2, chỉ có 6 đội, thay vì 8 đội được nằm trong nhóm A (tranh huy chương) và 8 đội, thay vì 6 đội, nằm ở nhóm B để tranh trụ hạng.

Rõ ràng, đây là một quyết định hợp lý nhất trong bối cảnh hiện tại, khi mùa giải 2021 có thể chịu những tác động khách quan. Theo lý giải của ông Trần Anh Tú, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam(VPF), hiện tại, nước ta đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn hiện hữu. Vì thế, việc chủ động xây dựng thể thức thi đấu như hiện nay là rất cần thiết và cũng là phương án tối ưu mà VPF phải chọn lựa.

Mặt khác, VPF còn tính toán đến những khả năng tạm dừng giải hoặc tổ chức trên sân không có khán giả nếu nước ta phải đối phó với dịch bệnh.

Cũng từ những lo ngại này nên VPF dự kiến, mùa giải mới sẽ khởi tranh từ rất sớm (ngày 9-1-2021), với trận Siêu Cúp quốc gia giữa Viettel và Hà Nội FC. Sau đó, giải Vô địch quốc gia V-League 1 khởi tranh vào ngày 16-1 và kết thúc vào ngày 19-9. Trong khi đó, giải hạng Nhất quốc gia V-League 2 khởi tranh vào ngày 17-1 và kết thúc vào ngày 14-8. Trận play-off (nếu có) dự kiến được tổ chức vào ngày 22-8 hoặc 26-9. Đồng thời, do nhiều giải quốc tế trong năm 2020 được chuyển sang năm 2021 cùng với việc 3 CLB Viettel, Hà Nội FC và Sài Gòn FC dự Cúp châu Á nên mùa giải phải chia thành 4 giai đoạn để phục vụ đội tuyển quốc gia, cũng như đáp ứng quyền lợi của các CLB.

Đáng kể nhất là việc thay đổi số lượng đội ở các nhóm trong giai đoạn 2 có thể giúp V-League 2021 không còn quá nhiều trận đấu vô nghĩa như từng diễn ra ở mùa giải 2020.

Quy định này buộc các đội phải “tăng tốc” ngay từ giai đoạn 1 để tránh lọt vào nhóm B đầy rủi ro. Đồng thời, ở giai đoạn 2 tại nhóm A, sẽ hạn chế tối đa việc các đội đã giành quyền trụ hạng chỉ thi đấu cầm chừng như cách mà Bình Dương, Hoàng Anh Gia Lai… từng thể hiện. Tại nhóm B, các đội cũng không còn thi đấu nhẩn nha khi sớm giành quyền trụ hạng chỉ sau một vài trận thắng như trường hợp của các CLB SHB Đà Nẵng, Sông Lam Nghệ An hay Thanh Hóa tại V-League 2020.

Chính việc siết chặt hơn ở nhóm A và mở thêm cơ hội cho các đội ở nhóm B sẽ buộc các đội phải nỗ lực cao nhất để giành được những kết quả tốt nhất như mong muốn. Hơn thế nữa, với quy định có đến 1,5 suất V-League 1 bị xuống hạng, những đội thuộc nhóm B càng cố gắng để thoát vị trí áp chót và phải đối diện với nhiều nguy cơ trong trận play-off cùng đội xếp thứ nhì V-League 2.

Điều mong muốn lớn nhất của các CLB vẫn là hy vọng những “ông Vua sân cỏ” hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, khiến các đội phải mất điểm oan ức như Nam Định từng gặp phải ở mùa giải vừa qua.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.