Bóng đá chuyên nghiệp... kiểu Việt Nam

.

Khi còn làm nhiệm vụ chuyên môn, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh (cựu Giám đốc Kỹ thuật Hoàng Anh Gia Lai) từng có phát ngôn khá nổi tiếng khi cho rằng, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chỉ là “bóng đá nghiệp dư lãnh lương cao”. Đến lúc này, tất cả vẫn không thay đổi, dù đã gần 15 năm, sau nhận xét của ông Nguyễn Văn Vinh.

Với cung cách quản lý rất nghiệp dư của VFF, VPF nên dù có mùa giải thứ 2 liên tiếp không đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp, Hải Phòng (áo trắng) cùng Nam Định và SLNA vẫn được “đặc cách” tham dự V-League 2021. Ảnh: ANH VŨ
Với cung cách quản lý rất nghiệp dư của VFF, VPF nên dù có mùa giải thứ 2 liên tiếp không đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp, Hải Phòng (áo trắng) cùng Nam Định và SLNA vẫn được “đặc cách” tham dự V-League 2021. Ảnh: ANH VŨ

Chính việc được nhận mức đãi ngộ khá cao so với mặt bằng xã hội, song cách làm không chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng như của các CLB đã tạo nên một “sức ì” rất lớn cho bóng đá Việt Nam.

Với cách làm đậm chất nghiệp dư nên dù không đáp ứng các tiêu chí chuyên nghiệp theo quy định của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), tất cả 14 CLB tham gia V-League 2020 đều được cấp phép thi đấu tại mùa giải 2021. Trong đó, có cả 4 CLB không đủ điều kiện gồm Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Hải Phòng do không tham dự đầy đủ các giải trẻ trong năm 2020 theo như quy định, Dược Nam Hà Nam Định do không đạt tiêu chí về tài chính và Sông Lam Nghệ An (SLNA) do không đạt tiêu chí về cơ sở vật chất, dàn đèn chiếu sáng không đạt chuẩn theo đúng yêu cầu của AFC. Đáng nói hơn khi đây là mùa giải thứ 2 liên tiếp, 3 CLB Hải Phòng, Dược Nam Hà Nam Định, SLNA không đạt được tiêu chuẩn cấp phép và vẫn được “đặc cách” tham dự V-League 2021.

Theo lý giải của lãnh đạo VPF, do bóng đá Việt Nam vẫn đang trong quá trình đi lên chuyên nghiệp nên các cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam sẽ từng bước điều chỉnh để buộc các CLB phải thay đổi. Và các CLB không đáp ứng các tiêu chí cũng đã giảm theo từng mùa. Thời gian tới, các CLB không đáp ứng các yêu cầu sẽ không được tham dự V-League. Thế nhưng, các cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam vẫn không đưa ra mốc thời gian cụ thể để các CLB bảo đảm việc đáp ứng những tiêu chí chuyên nghiệp, nên khái niệm “thời gian tới” vẫn rất mơ hồ. Một sự biện minh khác cho cách quản lý hết sức nghiệp dư còn ở ý kiến khi cho rằng, nếu mạnh dạn loại bỏ ngay lập tức các CLB không đáp ứng tiêu chí sẽ khiến chất lượng V-League sút giảm.

Đáp lại, cũng từng có đề xuất V-League 1 (giải Vô địch quốc gia) chỉ cần 10 CLB tham gia tranh tài và sau đó, từng bước nâng dần số đội. Tuy nhiên, quá nhiều vấn đề hậu trường bởi mối quan hệ giữa các CLB cũng như truyền thống bóng đá, lực lượng cổ động viên cuồng nhiệt của Nam Định, Hải Phòng hay Nghệ An… khiến tất cả phải chấp nhận một sự thỏa hiệp kéo dài trong nhiều năm qua.

Bóng đá Việt Nam cũng tự đánh mất hình ảnh của mình trên đấu trường châu lục bởi những nhà vô địch Việt Nam như Quảng Nam (2017) hay Hà Nội FC (2019) không thể tham gia tranh tài tại Cúp châu Á do không đáp ứng các tiêu chí theo quy định của AFC. Vì thế, để bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp, đòi hỏi sự chuyên nghiệp ngay từ VFF, VPF. Nếu không, đừng hy vọng vào ý thức của các CLB một khi các cơ quan quản lý vẫn hoạt động theo cung cách rất nghiệp dư.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.