Đội tuyển Việt Nam và nỗi lo quá tải

.

Do Covid-19, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) có những thay đổi lịch thi đấu của vòng loại (thứ 2) World Cup 2022 cũng như Cúp châu Á. Vì thế, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) phải điều chỉnh kế hoạch thi đấu các giải quốc nội nhằm tạo điều kiện cho đội tuyển quốc gia cũng như các CLB có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi tham gia các giải đấu.

Các tuyển thủ như Hà Đức Chinh (áo cam) rất cần thích nghi với mật độ thi đấu cũng như phải duy trì tốt phong độ, nhằm góp phần đưa đội tuyển Việt Nam lập nên kỳ tích tại vòng loại World Cup 2022. Ảnh: ANH VŨ
Các tuyển thủ như Hà Đức Chinh (áo cam) rất cần thích nghi với mật độ thi đấu cũng như phải duy trì tốt phong độ, nhằm góp phần đưa đội tuyển Việt Nam lập nên kỳ tích tại vòng loại World Cup 2022. Ảnh: ANH VŨ

Theo kế hoạch ban đầu, giải Bóng đá Vô địch quốc gia V-League 2021 được khởi tranh trở lại, bắt đầu bằng các trận đấu bù vòng 3 (từ ngày 13-3) và tạm khép lại vào ngày 18-4, sau khi vòng đấu thứ 10 kết thúc. Lịch thi đấu này phù hợp với kế hoạch thi đấu AFC Champions League của đương kim vô địch Viettel, khi vòng loại bảng F diễn ra từ ngày 21-4 đến 7-5 tại Thái Lan.

Thế nhưng mới đây, AFC quyết định thay đổi kế hoạch thi đấu vòng bảng AFC Champions League khi chuyển các trận đấu của khu vực Đông Á sang tháng 6 đến tháng 7-2021 và chưa xác định thời điểm cụ thể. Chính vì thế, VPF buộc phải chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng và thay đổi lịch thi đấu giai đoạn 1 V-League 2021. Nhiều khả năng, 13 vòng đấu của giai đoạn 1 V-League 2021 sẽ hoàn tất vào ngày 9-5 hoặc 10-5. Sau đó, đội tuyển Việt Nam tập trung, chuẩn bị cho các trận còn lại của vòng loại (thứ 2) World Cup 2022.

Những điều chỉnh lịch thi đấu các giải quốc nội không chỉ nhằm tương thích với lịch thi đấu của Liên đoàn Bóng đá quốc tế (FIFA), AFC mà còn đáp ứng yêu cầu chuẩn bị của các đội tuyển cho vòng loại giải Bóng đá Vô địch U23 châu Á 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 10-2021 và SEA Games 31 (2021) được tổ chức tại Việt Nam cũng như AFF Cup 2020.

Hẳn nhiên, những điều chỉnh kế hoạch thi đấu các giải quốc nội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng thể lực của các tuyển thủ quốc gia. Song quỹ thời gian hạn chế buộc các CLB phải thi đấu với mật độ khá dày, trung bình 4 ngày thi đấu 1 trận và kéo dài 8 vòng đấu, kể từ sau các trận đá bù vòng 3.

Đặc biệt, với tính chất căng thẳng, quyết liệt do những quy định của điều lệ khi tại V-League 2021, chỉ có 6 đội được vào nhóm tranh huy chương ở giai đoạn 2, càng khiến các trận đấu gay cấn hơn. Và các cầu thủ đối diện nguy cơ chấn thương lớn bởi không chỉ thi đấu với mật độ dày mà sự căng thẳng ở từng trận đấu cũng rất cao.

Nhất là đối với những đội có khởi đầu chưa tốt như Viettel, Hà Nội FC, CLB Thành phố Hồ Chí Minh cũng là những đội có khá nhiều tuyển thủ quốc gia. Đồng thời, xuất phát từ yếu tố địa lý, việc di chuyển ảnh hưởng không nhỏ đến thể lực của các cầu thủ.

Hiện tại, do chấn thương nên những trụ cột của hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam như Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu gần như không kịp trở lại khi các trận vòng loại (thứ 2) World Cup 2022 khởi tranh. Trong khi đó, Quang Hải vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương dây chằng gối, mới nhất Văn Toàn chấn thương cổ chân trong trận đấu bù vòng 3 V-League 2021 khi Hoàng Anh Gia Lai tiếp Bình Định.

Vì thế khi V-League 2021 bước vào giai đoạn quyết định, danh sách chấn thương của các tuyển thủ có thể kéo dài và HLV Park Hang-seo cần tính đến việc có những điều chỉnh nhân sự phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống xấu nhất. Bên cạnh đó, bản thân từng tuyển thủ phải thích nghi với mật độ thi đấu, duy trì tốt phong độ để góp phần đưa đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại (thứ 2) và làm nên kỳ tích với việc lần đầu giành quyền vào vòng loại cuối cùng một kỳ World Cup.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.