V-League và thời của cầu thủ nước ngoài

.

Chuyện không mới khi trong những mùa giải gần đây, cầu thủ nước ngoài có năng lực đang trở thành “của hiếm” tại V-League. Đặc biệt, từ khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, việc săn tìm cầu thủ ngoại càng khó khăn hơn. Vì thế, dù trình độ chuyên môn còn hạn chế nhưng các cầu thủ nước ngoài có thể yên tâm khi tìm việc tại Việt Nam.

Trong bối cảnh việc tìm kiếm cầu thủ nước ngoài chất lượng hết sức khó khăn, Rafaelson (áo cam) được xem là bản hợp đồng rất chất lượng của SHB Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ
Trong bối cảnh việc tìm kiếm cầu thủ nước ngoài chất lượng hết sức khó khăn, Rafaelson (áo cam) được xem là bản hợp đồng rất chất lượng của SHB Đà Nẵng. Ảnh: ANH VŨ

Trong một cuộc trao đổi bên lề, HLV Lê Huỳnh Đức từng thừa nhận: “Với tình hình dịch bệnh hiện nay, việc di chuyển bị hạn chế ở mức tối đa nên các cầu thủ nước ngoài không dễ dàng nhập cảnh vào Việt Nam. Các CLB cũng không thể chủ động tìm nguồn cầu thủ, tất cả chỉ trông chờ vào sự giới thiệu từ những nhà môi giới. Trong bối cảnh đó, phần lớn phải phó thác cho sự may - rủi khi các CLB không có nhiều sự lựa chọn”. Vì thế, không ngẫu nhiên khi các cầu thủ nước ngoài cũng bắt đầu biết cách “làm mình, làm mẩy” bởi các CLB V-League không có nhiều sự lựa chọn.

Khó khăn thực tế buộc không ít CLB phải bấm bụng sử dụng những cầu thủ không thực sự đáp ứng yêu cầu chuyên môn hoặc phải tuyển mộ những cầu thủ từng bị các CLB khác loại vì nhiều lý do. Trong đó, phần lớn do năng lực hạn chế. Trước thềm V-League 2021, CLB Thành phố Hồ Chí Minh khiến tất cả ngỡ ngàng khi thực hiện những cuộc chuyển nhượng đình đám với 3 bản hợp đồng từ Brazil, trị giá đến 1 triệu USD. Thế nhưng, chưa kết thúc giai đoạn 1, CLB này buộc phải thanh lý Dario Silva, Junior Barros.

Chỉ giữ lại Joao Paulo nhờ được đánh giá… nhiệt tình. Để thay thế, HLV Polking đưa về Patrick Silva, một cầu thủ bị Than Quảng Ninh thanh lý từ đầu mùa giải. Trong khi đó, Dario Silva sớm chấm dứt cảnh thất nghiệp khi cầu thủ này trở thành tân binh của Sài Gòn FC. Các CLB khác cũng chấp nhận những giải pháp tương tự bằng việc sử dụng lại cầu thủ cũ của các CLB khác, dù đó là những cái tên bị sa thải bởi lý do chuyên môn, như trường hợp Ibou Kebe (SHB Đà Nẵng đến Sài Gòn FC), Claudecir (đang thất nghiệp đến SHB Đà Nẵng).

Một yếu tố khác ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cầu thủ nước ngoài tại V-League là trong những năm qua, giải Vô địch bóng đá Việt Nam lần lượt bị giải Vô địch các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia qua mặt. Nếu trước kia, khi không tìm được cơ hội thi đấu tại Việt Nam, các cầu thủ ngoại mới đến Thái Lan, Malaysia, Singapore… để tìm việc thì thời gian gần đây, dòng chảy này ở chiều ngược lại.

Theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), năm 2018, V-League chỉ được xếp thứ 5 trong khu vực, sau Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia. Trong 2 năm qua, với việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh nên giải Vô địch quốc gia vẫn được tiến hành; trong khi, hàng loạt giải Vô địch quốc gia các nước trong khu vực bị đình đốn do Covid-19 nên V-League đạt tổng điểm 31.763 điểm và chỉ còn kém giải Vô địch Thái Lan (48.830 điểm).

Dù vậy, để nâng cao chất lượng V-League và tạo được sự ổn định mang tính bền vững, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) lẫn các CLB. Trong đó, công tác đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ là điều kiện tiên quyết. Nếu không, V-League cũng chỉ là mảnh đất màu mỡ để rất nhiều “cầu thủ Tây ba lô” khai thác và điều này sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của bóng đá Việt Nam cũng như ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế - bóng đá Việt Nam.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.