Thể thao

Tokyo 2020 và nỗi lo chưa dứt...

09:19, 26/07/2021 (GMT+7)

Những hồi hộp, lo âu tạm thời được gác lại sau khi ngôi sao quần vợt Naomi Osaka thắp sáng đài lửa Olympic Tokyo 2020 trong đêm khai mạc 23-7.

Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 diễn ra với những khán đài trống vắng. Ảnh: Thedailybeast
Lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 diễn ra với những khán đài trống vắng. Ảnh: Thedailybeast

Tuy nhiên, hầu như các phương tiện truyền thông quốc tế phản ảnh về Tokyo 2020 với một gam màu không sáng sủa, trong bối cảnh sự kiện diễn ra “dưới đám mây u ám của dịch bệnh”. Theo hãng tin AP, sự kiện bắt đầu với “một buổi lễ im lặng” và “không có năng lượng thông thường của đám đông khán giả”.

Tại Tokyo 2020, ngoài 14 đối tác toàn cầu tài trợ sự kiện còn có 67 công ty tài trợ khác đóng tại Nhật Bản. Ngoài ra, tập đoàn truyền hình lớn của Mỹ NBCUniversal Media LLC ký thỏa thuận bản quyền phát sóng lớn với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) bao gồm 10 Olympic cho đến năm 2032, dự kiến khoảng 12,03 tỷ USD và đây là số tiền tài trợ cho IOC. Có thể, đó là lý do IOC vẫn quyết tâm tổ chức Tokyo 2020 bất chấp sự phản đối của 80% người dân thủ đô Nhật Bản.

Để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19, hệ thống sinh hoạt khép kín được áp dụng cho các VĐV khi di chuyển từ Làng Olympic đến địa điểm thi đấu và ngược lại; có nghĩa là VĐV hoàn toàn bị cách ly với xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên các cuộc tranh tài diễn ra tại các địa điểm không có khán giả dự khán. Song các trường hợp nhiễm virus vẫn được phát hiện hằng ngày từ các VĐV lẫn nhân viên phục vụ từ đầu tháng 7.

Chỉ 1 ngày sau khi Tokyo 2020 chính thức bắt đầu, ít nhất 12 VĐV đến tham gia tranh tài có kết quả dương tính với SARS-CoV-2; trong đó, có VĐV Bóng chuyền bãi biển Taylor Crabb, VĐV Thể dục dụng cụ Kara Eaker (cùng của Hoa Kỳ). Mới nhất là nam VĐV đua thuyền Finn Florijn (Hà Lan) được xét nghiệm dương tính ngay sau khi tham gia thi đấu.

Bất chấp IOC, Ủy ban Tổ chức Tokyo 2020 đã có những quy định y tế nghiêm ngặt khi yêu cầu VĐV mang khẩu trang thường xuyên, tổ chức xét nghiệm định kỳ, các thành viên tham gia Tokyo 2020 không được đến các địa điểm khác ngoài Làng Olympic và địa điểm thi đấu, nhưng không ai dám chắc tất cả sẽ được bảo đảm an toàn. Không ngẫu nhiên mà chính quyền thành phố Tokyo ban bố tình trạng khẩn cấp khi cuối tuần qua, số ca nhiễm mới của Tokyo đạt mức 1.979 trường hợp, cao nhất kể từ tháng 1-2021.

Cách đây 8 năm, Nhật Bản giành được quyền đăng cai Olympic như khẳng định sự hồi sinh của Fukushima sau thảm họa sóng thần cũng như sự cố nhà máy điện hạt nhân tại đây hồi năm 2011. Tokyo 2020 cũng là cách mà Nhật Bản muốn bày tỏ lòng biết ơn đến toàn thế giới về sự hỗ trợ dành cho đất nước và nhân dân Nhật Bản trong thời điểm khó khăn ấy. Từ thực tế của Tokyo 2020, để quyền lợi của các bên được dung hòa theo hướng tốt nhất, IOC cần xem xét lại quyền lợi của tổ chức này so với quyền lợi của các quốc gia được đăng cai Olympic.

NGUYÊN AN

.