Hơn 10 năm trước, nữ kình ngư Yusra Mardini là tài năng trẻ hàng đầu của làng bơi lội Syria nhưng sự nghiệp thể thao đang lên của cô gái trẻ gần như vụt tắt bởi cuộc nội chiến ác liệt ở đất nước này. Từ sự hỗ trợ của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), bây giờ cô đang là Đại sứ Thiện chí UNHCR (Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn) và là thành viên của “Đoàn thể thao người tị nạn” tại Olympic Tokyo 2020.
Đoàn thể thao Người tị nạn diễu hành tại lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 trên sân vận động Olympic ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước hoàn cảnh khốc liệt, 6 năm trước, 2 chị em Mardini cùng 18 người khác liều mình trốn khỏi qua Lebanon, để rồi trải qua thời khắc sinh tử cận kề trên chiếc thuyền tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ về Hy Lạp. Trên hành trình tị nạn, Mardini may mắn được tạo cơ hội tập luyện ở một CLB bơi địa phương tại Berlin (Đức) và hiện giờ đang định cư ở nơi này.
Là người cầm cờ của "Đoàn thể thao người tị nạn" ở Olympic Tokyo 2020, Mardini là 1 trong số 29 VĐV của đoàn thể thao này, họ đến từ các quốc gia như Syria, Congo, Nam Sudan, Iran, Afghanistan... Đây là lần thứ 2, đoàn thể thao này được thi đấu ở Thế vận hội mùa hè.
Sáng kiến nhân văn về một đoàn thể thao đặc biệt dành cho các VĐV tị nạn ra đời từ năm 2015. Theo số liệu từ IOC thu nhận qua trang web Rescue.org của Ủy ban Cứu hộ quốc tế, năm đó có 65 triệu người tị nạn do xung đột chiến sự và thiên tai, trong đó hơn 1 triệu người từ Trung Đông, Trung Á và châu Phi đã di cư sang châu Âu để tìm cơ hội tồn tại.
Để hỗ trợ những VĐV này được tiếp tục thi đấu, thể hiện tinh thần tương trợ nhân ái, cùng năm đó, IOC lập "Quỹ khẩn cấp cho người tị nạn" với tổng ngân sách 1,9 triệu USD và thông báo thành lập một đoàn thể thao thống nhất với các suất vé mời dành cho 10 VĐV góp mặt ở Olympic Rio 2016. Tên gọi của đoàn dịch ra tiếng Anh là “Refugee Olympic Team” (ROT).
Ý nghĩa đó tiếp tục được lan tỏa và phát huy tại Olympic Tokyo 2020. Trước thềm Thế vận hội này khởi tranh, IOC thông báo gia tăng số lượng thành viên ROT lên 29 người, đồng thời cung cấp học bổng cho các VĐV tị nạn có tiềm năng. Nhiều quốc gia như Anh, Áo, Bỉ, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Israel, Hà Lan, Australia... cũng bảo trợ cho các VĐV.
Tại Olympic lần này, Mardini tham gia thi đấu ở nội dung 100m bơi bướm. Ở vòng đấu loại, nữ VĐV sinh năm 1998 về đích với 1 phút 06 giây 78, thành tích này không giúp cô tiến vào bán kết, nhưng đó là cả một sự tiến bộ nếu so với kết quả 1 phút 09 giây 21 của chính cô tại Olympic Rio 5 năm trước.
Trong đoàn ROT năm nay còn có những tên như nữ VĐV điền kinh Rosie Lokonyen (Nam Sudan) - cô gái lớn lên từ trại tị nạn ở Kenya, nam VĐV Dorian Keletela (Congo) chạy trốn khỏi lãnh thổ sau khi mất cả cha lẫn mẹ trong chiến tranh hay trường hợp tay đua thuyền Saeid Fazloula (Iran) mất đến 6 năm kể từ ngày rời Iran để hy vọng vào cơ hội Olympic. Bên cạnh đó, đồng hương của Fazloula là võ sĩ Taekwondo Kimia Alizadeh mới rời đất nước vào năm ngoái, 4 năm sau khi anh giành HCĐ ở Olympic Rio 2016.
“Chúng tôi không cùng sắc tộc, khác màu da, không chung một đất nước nhưng cùng chung một ngọn cờ đoàn kết ở Thế vận hội”, đó là thông điệp mà các VĐV đưa ra trước khi bước vào sân chơi lớn. Và sáng kiến thành lập đoàn thể thao người tị nạn của IOC đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những người như Mardini. Các VĐV tị nạn xuất sắc trên khắp thế giới được IOC tập hợp và trao cho họ cơ hội trong mơ: tham dự Olympic. Với thể thao, họ đã tìm được con đường sáng cho mình sau ký ức tị nạn. Câu chuyện cảm động của họ là nguồn cảm hứng nhân văn lan tỏa đến quê nhà và xa hơn là thế giới, với tinh thần “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc) của Olympic lần này.
XUÂN SƠN