Paralympic Tokyo có 539 nội dung thuộc 22 môn thể thao, tăng 2 môn thể thao so với kỳ thế vận hội trước, trong đó có hai môn mới xuất hiện lần đầu tiên ở Paralympic là cầu lông và taekwondo.
Màn trình diễn pháo hoa tại Lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020, tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 24-8-2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Vào lúc 20 giờ tối 24-8 (giờ địa phương), Paralympic Tokyo 2020 đã chính thức khai mạc tại sân vận động quốc gia ở thủ đô Tokyo bằng một buổi lễ có chủ đề "We Have Wings" (tạm dịch “Chúng ta có những đôi cánh”).
Tới dự lễ khai mạc Paralympic lần thứ 16 có Nhật hoàng Naruhito, Thủ tướng Suga Yoshihide và một số quan chức cấp cao khác của Nhật Bản, quan chức thể thao của nhiều nước và lãnh đạo của một số tổ chức quốc tế, cùng với hàng ngàn vận động viên đại diện cho hơn 160 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự thế vận hội.
Paralympic Tokyo diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới và thành phố đăng cai đang trong tình trạng khẩn cấp về y tế.
Do đó, Chính phủ Nhật Bản đã không cho phép khán giả nước ngoài tới nước này để cổ vũ cho các vận động viên, trong khi các nhà tổ chức cũng không cho khán giả trong nước tới sân để dự khán.
Paralympic Tokyo có 539 nội dung thuộc 22 môn thể thao, tăng 2 môn thể thao so với kỳ thế vận hội trước, trong đó có hai môn mới xuất hiện lần đầu tiên ở Paralympic là cầu lông và taekwondo.
Có tổng cộng 4.403 vận động viên, trong đó có 1.853 vận động viên nữ, đến từ 161 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự thế vận hội này. Đây là đại hội thể thao người khuyết tật có số lượng vận động viên tham gia đông nhất từ trước tới nay.
Lễ thượng cờ Nhật Bản tại lễ khai mạc Paralympic Tokyo 2020 ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, ngày 24-8-2021. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Trong số các quốc gia/vùng lãnh thổ dự Paralympic Tokyo, có 5 đoàn mới tham gia lần đầu, trong đó có Bhutan và Paraguay, nhưng cũng có một số đoàn như Samoa, Kiribati, Tonga và Vanuatu không thể cử vận động viên tham dự, chủ yếu do dịch bệnh.
Ngoài ra, theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thể thao (CAS), các vận động viên Nga được tham dự đại hội thể thao này, nhưng không được sử dụng tên nước, quốc kỳ hoặc quốc ca và phải thể hiện mình là "vận động viên trung lập" hoặc "đội thể thao trung lập."
Đoàn thể thao Nhật Bản dự Paralympic Tokyo có 464 thành viên, trong đó có 254 vận động viên, thi đấu ở tất cả các môn.
Đây là đoàn thể thao đông nhất của Nhật Bản từng tham dự thế vận hội người khuyết tật và cũng là đoàn thể thao đông nhất tại thế vận hội này.
Đoàn thể thao Việt Nam tham dự gồm 15 thành viên, trong đó có 7 vận động viên. Các vận động viên Việt Nam sẽ thi đấu ở 3 môn thể thao gồm bơi, cử tạ và điền kinh.
Trao đổi với phóng viên TTXVN ngay trước lễ khai mạc, ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Paralympic Tokyo 2020, chia sẻ: “Hiện tất cả các vận động viên đều có sức khỏe tốt, tinh thần hết sức phấn chấn và sẵn sàng thi đấu để giành thành tích tốt nhất, mang vinh quang về cho tổ quốc”.
Theo TTXVN/Vietnam+