Thể thao Việt Nam cần thay đổi

.

Cuối cùng, thể thao Việt Nam "trắng tay" rời Tokyo 2020, sau 3 kỳ Olympic liên tiếp trước đó đều giành huy chương. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là kỳ Olympic thất bại, song cần bình tâm nhìn lại để có đánh giá chính xác hơn về thể thao Việt Nam khi bước ra “biển lớn”.

Từ năm 2020 đến trước khi sang tranh tài tại Tokyo 2020, tay bơi Ánh Viên (ảnh) hầu như không nhận được sự quan tâm cần thiết của ngành thể dục - thể thao khi kình ngư này không hề có HLV. Ảnh: ANH VŨ
Từ năm 2020 đến trước khi sang tranh tài tại Tokyo 2020, tay bơi Ánh Viên hầu như không nhận được sự quan tâm cần thiết của ngành thể dục - thể thao khi kình ngư này không hề có HLV. Ảnh: ANH VŨ

Với 18 VĐV thi đấu 11 môn, cơ hội dành cho đoàn thể thao Việt Nam không lớn nếu biết rằng, với 41 VĐV, Thái Lan tranh tài 14 môn, giành 1 HCV, 1 HCĐ. Con số tương ứng của đoàn Indonesia là 28 VĐV cho 8 môn và giành 1 HCV, 1 HCB, 3 HCĐ; Philippines có 19 VĐV cho 11 môn, giành 1 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ; Malaysia có 30 người cho 10 môn, giành 1 HCB, 1 HCĐ. Quan trọng hơn, các đoàn thể thao nói trên đều có những VĐV có thể giành được huy chương Olympic.

Một thực tế khác cần nhìn nhận khi Việt Nam chỉ có 14 suất trực tiếp đến Tokyo 2020. Trong đó, 2 đô cử Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên được xem là niềm hy vọng của đoàn thể thao Việt Nam. Còn lại, Hoàng Xuân Vinh chỉ đến Tokyo 2020 nhờ suất đặc cách, sau khi thất bại ở nỗ lực tranh vé chính thức, dù được tạo điều kiện tham dự hầu hết các giải đấu để tích điểm. Hay Nguyễn Thị Ánh Viên được xác nhận tham dự vào phút cuối nhờ nằm trong nhóm đạt chuẩn B được chọn.

Nếu nhìn vào thành tích mà Thạch Kim Tuấn (hạng cân 61kg nam) hay Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) từng giành được với thành tích tổng cử lần lượt là 304kg và 216kg, việc để vuột cơ hội tranh huy chương Olympic rất đáng tiếc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc không thi đấu đúng sức dẫn đến những thất bại của Thạch Kim Tuấn hay Hoàng Thị Duyên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục - Thể thao) nhìn nhận theo hướng khác: “Thi đấu đúng sức hay không là một khái niệm rất rộng. Thua chính mình hay thắng chính mình phụ thuộc vào việc chúng ta đấu với ai. Khi đối đầu với những đối thủ xuất sắc, tâm lý VĐV rất căng thẳng nên họ không thể vượt lên được”.

Một vấn đề khác của thể thao Việt Nam tại Tokyo 2020 còn ở việc chữa trị chấn thương cho VĐV. Khi đến Nhật Bản, 2 VĐV thể dục dụng cụ Đinh Phương Thành và Lê Thanh Tùng cùng ban huấn luyện mới thông báo, cả 2 VĐV này đều chưa hoàn toàn bình phục chấn thương. Ngay cả Thạch Kim Tuấn cũng phải nén đau do chấn thương vai để thi đấu. Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn thừa nhận: “Chấn thương của một số VĐV là trở ngại lớn trong quá trình chuẩn bị cũng như thi đấu tại Olympic”.

Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư cho các VĐV cho thấy, ngành thể dục - thể thao chưa chú tâm đến những VĐV hàng đầu. Việc Hoàng Thị Duyên phải qua 42 ngày cách ly khi trở về từ giải Vô địch Cử tạ châu Á 2021 không nằm ngoài dự kiến. Tại sao ngành không đề xuất để đô cử này được cơ chế cách ly đặc biệt, cũng như có sự chuẩn bị tốt để cô có thể tập luyện bình thường trong thời gian cách ly? Trong khi đó, Ánh Viên phải tự tập luyện một mình từ năm 2020 cho đến trước khi sang Nhật Bản.

Không quá khó để thấy, việc thể thao Việt Nam từng giành được huy chương ở các kỳ Olympic trước kia, ngoài sự nỗ lực của các VĐV, không thể không nói đến yếu tố may mắn. Tuy nhiên, trước thềm Tokyo 2020, ngoài công tác chuẩn bị chưa tốt, thể thao Việt Nam vẫn chưa có chiến lược xây dựng lực lượng. Bởi để đạt hiệu quả tại đấu trường Olympic, đòi hỏi chu kỳ chuẩn bị cho một VĐV xuất sắc thường từ 8-10 năm. Trong khi đó, thể thao Việt Nam chỉ tập trung một số VĐV cho một số môn, với mục tiêu giành quyền đến Olympic mà chưa hướng đến mục tiêu giành huy chương.

Ông Nguyễn Hồng Minh cũng nhận định: “Việc lựa chọn môn thi đấu cần phù hợp với thể chất của người Việt Nam mà cử tạ, các môn võ là phù hợp, vì VĐV thi đấu theo hạng cân. Một số nội dung bơi, điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng… cũng có những yếu tố phù hợp người Việt Nam. Điều quan trọng là cần đầu tư nâng cao và ứng dụng kỹ thuật để cải tiến công tác huấn luyện thì thể thao Việt Nam mới có được nền tảng cần thiết cho những mục tiêu trong tương lai”.

ĐƯỜNG MINH - BẢO AN

;
;
.
.
.
.
.