V-League tạm hoãn và câu chuyện ngoại binh

.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vừa thông báo đồng ý với đề xuất của Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) khi dời phần còn lại của V-League 2021 sang tháng 2-2022. Vì thế, các CLB đều cho cầu thủ được nghỉ ngơi. Song, với các cầu thủ nước ngoài, mọi thứ không hề đơn giản.

V-League 2021 kéo dài thêm 6 tháng khiến các CLB gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng cùng các cầu thủ nước ngoài như trường hợp của SHB Đà Nẵng với tiền đạo Rafaelson (áo cam). Ảnh: ANH VŨ
V-League 2021 kéo dài thêm 6 tháng khiến các CLB gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng cùng các cầu thủ nước ngoài như trường hợp của SHB Đà Nẵng với tiền đạo Rafaelson (áo cam). Ảnh: ANH VŨ

Từ rất lâu, cầu thủ ngoại luôn là nhân tố rất quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đến sự thành bại của các CLB V-League. Hiện tại, với 14 CLB V-League, số ngoại binh lên đến 42 cầu thủ khi mỗi CLB đều tận dụng hết quota (số lượng giới hạn) cầu thủ ngoại, chưa kể số cầu thủ nhập tịch. Kể từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, các chuyến bay quốc tế bị hạn chế và giải đấu bị tạm dừng, các cầu thủ ngoại buộc phải ở lại bản doanh của CLB hoặc chỉ có thể đi lại trong lãnh thổ Việt Nam, chứ không thể về quê nhà.

Vì thế, khi V-League 2021 bị hoãn từ đầu tháng 5-2021 và kéo đến tháng 2-2022 mới thi đấu trở lại, quãng nghỉ 10 tháng là thời gian tốt để các cầu thủ ngoại về thăm gia đình bởi hầu hết đều quá lâu không có cơ hội về quê nhà. Tiền đạo Magno Geovane (Hà Nội FC) chia sẻ: “Từ mùa giải 2020, khi còn thi đấu cho Sài Gòn FC đến nay, tôi chưa được về Brazil thăm gia đình. Rất nhớ vợ con và gia đình nên tôi muốn nhân đợt nghỉ này về nước để thăm mọi người”.

Mong muốn của các cầu thủ là vậy và các CLB chủ quản cũng đồng ý. Nhưng đường về nhà của các ngoại binh không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Mặt khác, khi cầu thủ tìm được chuyến bay, dù đang giữ giấy chuyển nhượng quốc tế (ITC) của ngoại binh nhưng các CLB chủ quản cũng buộc cầu thủ cam kết trở lại Việt Nam vào cuối năm 2021 để tập luyện và chuẩn bị thi đấu vào tháng 2-2022. Với những CLB nhiều khả năng nằm trong nhóm B (nhóm tranh trụ hạng, giai đoạn 2), yêu cầu này càng gắt gao hơn. Song, điều quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa CLB và cầu thủ ngoại vẫn là yếu tố tài chính.

Hiện nay, những CLB có tiềm lực tài chính, có thể ký hợp đồng với cầu thủ trong vòng 2 năm nên việc thanh toán theo từng năm không có vướng mắc. Tuy nhiên, đa phần các CLB V-League chỉ ký hợp đồng với cầu thủ ngoại trong 1 năm. Như thế, nhiều CLB phải soạn thảo lại phụ lục hợp đồng và dĩ nhiên, phải trả thêm phí chuyển nhượng cũng như tiền lương cho các ngoại binh khi những cầu thủ này thi đấu cho CLB thêm 6 tháng nữa. Bởi theo kế hoạch ban đầu, V-League 2021 khép lại vào ngày 15-9. Chưa kể, mùa giải 2021 mới chỉ đá gần nửa thời gian, các khoản lót tay còn lại vẫn chưa được chi trả, nên sau khi về nước nghỉ ngơi, nhiều cầu thủ ngoại buộc quay lại để thanh toán, hoặc phải chấp nhận ở lại Việt Nam để chờ nhận đủ khoản tiền lót tay ấy.

Thêm nữa, do giai đoạn 1 chưa kết thúc, mục tiêu của các đội ở mùa giải 2021 hầu hết vẫn chưa rõ ràng, nên nhiều CLB chưa thể quyết định thanh lý sớm hợp đồng với ngoại binh. Nếu sau giai đoạn 1, với việc lọt vào top 6, đồng nghĩa trụ hạng an toàn, chắc chắn, không ít CLB nghĩ đến việc thi đấu không ngoại binh để tiết giảm chi phí… Hiện nay, nhiều CLB cho các ngoại binh về nước nghỉ ngơi nhưng thực tế vẫn có nhiều vướng mắc. Vì thế, câu chuyện ngoại binh đang trở thành vấn đề nan giải, không chỉ với các CLB mà còn cả với lực lượng cầu thủ nước ngoài đang góp mặt tại V-League.

ĐƯỜNG MINH

;
;
.
.
.
.
.