Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa với thế giới ở đấu trường Olympic

.

Chiều tối 4-8, đoàn thể thao Việt Nam sẽ rời Tokyo về nước trên chuyến bay JL751 của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản, kết thúc hành trình tại Olympic Tokyo 2020.

Ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: TTXVN phát
Ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: TTXVN phát

Trước khi lên đường về nước, ông Trần Đức Phấn,Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020, đã dành thời gian để trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN.

“Trong giai đoạn hiện nay, thể thao Việt Nam vẫn có một khoảng cách khá xa so với thế giới ở đấu trường Olympic”. Vì vậy, trước khi lên đường, chúng tôi chỉ hy vọng các vận động viên sẽ thi đấu hết mình để vượt qua chính bản thân. Tuy nhiên, tại Olympic lần này, đoàn thể thao Việt Nam chưa đạt được những kết quả như mong muốn", ông Trần Đức Phấn cho biết.

Lý giải về việc đoàn thể thao Việt Nam thi đấu không thành công tại Olympic Tokyo 2020, ông Phấn cho rằng có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong các nguyên nhân khách quan, ông Phấn cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng lớn tới quá trình chuẩn bị của các vận động viên. Ông Phấn nói: “Việc chúng ta giãn cách xã hội do dịch bệnh, các vận động viên hầu như không được tham dự tập huấn, đặc biệt là không được thi đấu. Vì thế, các vận động viên không có điều kiện thi đấu để cọ sát về mặt chuyên môn và đánh giá thành tích để điều chỉnh quá trình huấn luyện. Điều đó đã gây khó khăn cho chúng ta về vấn đề chuyên môn và làm giảm sút thành tích của chúng ta trong quá trình thi đấu”. 

Chẳng hạn, theo ông Phấn, vận động viên Huy Hoàng đã vượt qua vòng loại Olympic ở 2 nội dung của môn bơi, đạt chuẩn A, nhưng có những thời điểm, Huy Hoàng không có điều kiện để tập luyện, không được đi tập huấn ở nước ngoài và đặc biệt là hầu như không được tham dự các giải đấu. Nếu được đi tập huấn và thi đấu nhiều hơn thì thành tích của Huy Hoàng sẽ tốt hơn. Mặt khác, thời gian chuẩn bị của một số vận động viên tham dự Olympic theo suất mời như Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng, hay Nguyễn Thị Thanh Thủy ở môn judo, khá ngắn bởi vì mãi đến giai đoạn cuối, liên đoàn thể thao quốc tế hoặc ban tổ chức mới công bố danh sách vận động viên được mời dự Olympic. 

Trong số các nguyên nhân chủ quan, ông Phấn đề cập tới vấn đề tâm lý thi đấu của một số vận động viên trong lần đầu tham dự đấu trường Olympic và sự chưa hợp lý trong tính toán chiến thuật của ban huấn luyện như trường hợp của vận động viên Hoàng Thị Duyên ở bộ môn cử tạ nữ.

Mặc dù vậy, ông Phấn khẳng định “dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan, chúng ta vẫn phải thừa nhận một điều: có những thời điểm chúng ta chuẩn bị tốt, có những thời điểm chúng ta chuẩn bị chưa được tốt. Nói tóm lại, đây là một bài học mà chúng ta cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình chuẩn bị cho các vận động viên trong các giải đấu sắp tới”.

 Liên quan tới vấn đề làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa thể thao Việt Nam và thể thao thế giới, hướng tới mục tiêu có vận động viên đủ khả năng tranh chấp huy chương ở Olympic, ông Phấn chia sẻ: “Thực ra, với thể chất của con người Việt Nam, chúng ta đã xác định được những nội dung, môn thi và vận động viên có thể đến Olympic để tranh chấp huy chương. Tuy nhiên, sau khi xác định được như vậy, chúng ta cần phải có giải pháp liên quan đến công tác đầu tư cho các vận động viên này để họ có khả năng tranh chấp huy chương ở Olympic”.

heo ông Phấn, càng những môn liên quan đến sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ khó cao và kỹ thuật chuẩn xác thì các vận động viên Việt Nam càng khó tranh chấp huy chương. Vì thế, chúng ta cần phải đầu tư có trọng điểm vào một số môn và nội dung thi đấu nhất định. Chẳng hạn như đối với các môn võ và cử tạ, các vận động viên Việt Nam phải lựa chọn các hạng cân nhẹ. Bên cạnh đó, có thể đầu tư cho những môn cần độ chính xác cao như bắn súng và bắn cung bởi vì các môn này không đòi hỏi nhiều về thể chất, thể trạng và tầm vóc cũng như thể lực của các vận động viên. 

Tuy nhiên, ông Phấn cho rằng trong từ một đến hai chu kỳ, hoặc thậm chí ba chu kỳ Olympic, Việt Nam mới có các vận động viên và những môn thể thao sẵn sàng tranh chấp huy chương ở đấu trường này. Và để làm được điều đó đòi hỏi “phải có sự đầu tư dài hạn và các giải pháp mang tính hệ thống, trong đó có việc ứng dụng các thành tựu khoa học-kỹ thuật hiện đại nhất vào công tác huấn luyện và đào tạo vận động viên”.

Theo Báo Tin Tức

;
;
.
.
.
.
.