Trải qua 2 năm chịu ảnh hưởng Covid-19, như nhiều đơn vị thể dục, thể thao khác, khoa Giáo dục thể chất (GDTC) của Đại học (ĐH) Đà Nẵng gặp không ít khó khăn trong hoạt động. Tuy nhiên, đơn vị nỗ lực thích ứng nhằm bảo đảm công tác giảng dạy cho sinh viên các trường thành viên.
Một tiết học thể dục của sinh viên Đại học Đà Nẵng. (Ảnh chụp thời điểm không có Covid-19). Ảnh: X.S |
Thích nghi với dịch bệnh
Theo Thạc sĩ Võ Đình Hợp, Trưởng khoa GDTC, với đặc thù thực hành sân bãi như bộ môn GDTC, việc sinh viên không thể đến trường trong thời điểm dịch bệnh đặt ra thách thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên đơn vị trong việc sắp xếp thời khóa biểu, xây dựng giáo án. Việc học và kiểm tra gần như thực hiện theo hình thức trực tuyến. Suốt thời gian qua, trong thời điểm giãn cách xã hội, khoa chỉ đạo, thống nhất với các tổ, bộ môn xây dựng, triển khai kế hoạch, lịch trình dạy, học và kiểm tra trực tuyến cụ thể cho từng khóa học phù hợp với tình hình, điều kiện đặc thù của mỗi trường thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc…
Từ tháng 8-2021, khoa tổ chức kiểm tra trực tuyến cho sinh viên của khóa trước còn đọng lại. Với khóa sinh viên nhập học năm 2020 và 2021, đơn vị khẩn trương lên kế hoạch dạy trực tuyến, quay video hướng dẫn, xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra… để sinh viên được chứng nhận hoàn thành học phần GDTC, qua đó đủ điều kiện tốt nghiệp, hạn chế tồn đọng trong việc cấp chứng nhận.
Trong tháng 10-2021, khoa tham gia hội thảo trực tuyến “Thách thức và cơ hội trong đào tạo trực tuyến” với các trung tâm GDTC của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và ĐH Cần Thơ để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo GDTC khi dịch bệnh còn phức tạp.
Thạc sĩ Võ Đình Hợp cho hay, hiện 39 giảng viên của khoa được phân bố giảng dạy ở các đơn vị thành viên của ĐH Đà Nẵng là ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh, khoa Y Dược với số lượng sinh viên trung bình 24.000 người/khóa giảng dạy trong vòng 2 năm. Giáo án được xây dựng trong 10 tuần, với 5 tuần đầu dạy lý thuyết và kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trắc nghiệm trực tuyến trong tuần thứ 6. Sau đó là 2 tuần giới thiệu bài tập để sinh viên tự tập và chuẩn bị thi cuối kỳ trong các tuần cuối.
Tiến tới dạy trực tuyến thể dục, thể thao với một số môn
Bên cạnh những hạn chế so với dạy trực tiếp, việc dạy GDTC gián tiếp trong điều kiện dịch bệnh có những ưu điểm và được đội ngũ giảng viên, lãnh đạo khoa nghiên cứu, có hướng đề xuất để phát huy trong thời gian tới. Đơn cử, sinh viên học thể dục trực tuyến có xu hướng mạnh dạn trao đổi ngay với giảng viên thông qua hệ thống chat. Việc dạy trực tuyến giúp giảng viên có cơ hội đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin.
“Yêu cầu của bộ môn GDTC cho sinh viên là phải đáp ứng về mặt kỹ thuật và thể lực. Về kỹ thuật, do sinh viên học trực tuyến nên rất khó để yêu cầu cao ở các em. Tuy nhiên ở khía cạnh thể lực, việc các em được yêu cầu tự tập luyện, tự ghi hình để lấy điểm cá nhân, chẳng hạn như “áp lực” phải gập bụng trong 1-2 phút hay hít đất với số lần cố định giúp các em có điều kiện nâng cao sức khỏe thể chất”, Thạc sĩ Võ Đình Hợp chia sẻ.
Theo sinh viên Nguyễn Thị Xuân Mai (khoa Sinh - Môi trường, ĐH Sư phạm), việc học GDTC trực tuyến như hiện tại giúp sinh viên tiết kiệm việc đi lại, dễ tương tác với giảng viên trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp. Tuy nhiên bản thân mỗi sinh viên cần phải có sự tự giác, thoát khỏi sức ì trong khi học để đáp ứng yêu cầu của bộ môn.
Thạc sĩ Võ Đình Hợp cho hay, khoa GDTC xem những kết quả tích cực trong thời gian qua là cơ hội định hướng, đổi mới giảng dạy bộ môn GDTC cho sinh viên của ĐH Đà Nẵng. Theo đó, trong bối cảnh bình thường mới, ngoại trừ các môn như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy bền, xà… vẫn phải dạy và kiểm tra trực tiếp, những môn không yêu cầu về không gian sân bãi và dụng cụ tập có thể đi theo hướng trực tuyến lâu dài do phù hợp với điều kiện sống chung với dịch bệnh như hiện nay.
XUÂN SƠN