Đặt mục tiêu cho Thể thao Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương chỉ đạo toàn ngành nỗ lực phấn đấu dẫn đầu bảng thành tích SEA Games 31.
Hầu hết các môn thể thao đang tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và Hà Nội để chuẩn bị cho giải đấu quan trọng nhất trong năm 2022 là SEA Games 31. Ảnh: L.S |
Tại buổi làm việc cùng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) và các thành viên trong Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu Tổng cục TDTT khẩn trương rà soát lại những môn thể thao mà thành tích đang có dấu hiệu chững lại và thụt lùi trong vài năm trở lại đây để kịp thời điều chỉnh, có kế hoạch đào tạo phù hợp, hạn chế tối đa việc làm mai một thành tích.
Cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị: Các môn Võ là những môn thể thao thế mạnh của Thể thao Việt Nam từ nhiều năm nay tại các kỳ SEA Games, nên từng môn phải nỗ lực và làm tốt hơn khả năng của mình. Thành tích chắc chắn phải cao hơn các kỳ Đại hội trước. Ngoài ra, đối với các môn thể thao Olympic và ASIAD, việc chú trọng thành tích rất quan trọng nhưng bộ môn, ban huấn luyện phải mạnh dạn trao cơ hội cho lứa vận động viên (VĐV) trẻ tài năng có cơ hội tranh tài nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới.
Thông tin chi tiết về công tác chuẩn bị của 40 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: Các bộ môn đang tích cực hoàn thiện công tác huấn luyện và kiểm tra trình độ chuyên môn của từng VĐV dự kiến được tham gia tranh tài tại SEA Games 31. Phụ trách môn và liên đoàn, hiệp hội luôn bám sát cùng ban huấn luyện các đội tuyển kịp thời cập nhật tình hình sức khỏe và trình độ chuyên môn của VĐV để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp nhất.
Theo nhận định, đánh giá của ông Trần Đức Phấn: Hiện trong khu vực, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đều là những quốc gia đang có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều môn thể thao. Đây đều là những đối thủ chính của Thể thao Việt Nam. Do đó, không chỉ cá nhân VĐV mà các thành viên trong ban huấn luyện, trưởng bộ môn phải rất nỗ lực và quyết tâm cao mới có cơ hội tỏa sáng trên sân nhà và giúp đoàn thể thao hoàn thành mục tiêu giành vị trí dẫn đầu bảng thành tích tại SEA Games 31.
Tại kỳ SEA Games này, Thể thao Việt Nam góp mặt ở 40 môn thể thao nằm trong hệ thống thi đấu chính thức của Đại hội. Hiện có một số môn đã đưa VĐV đi tập huấn tại nước ngoài nhằm nâng cao trình độ chuyên môn như: Bắn cung, bắn súng. Thời gian tới, các môn đấu kiếm, khiêu vũ thể thao, taekwondo… sẽ tiếp tục được cử đi tập huấn tại nước ngoài và trở về trước thời điểm SEA Games 31 diễn ra 1 tháng. Còn lại hầu hết các môn đang tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia và Hà Nội.
Nhằm hoàn thành tốt mục tiêu đứng đầu bảng tổng sắp Huy chương ở kỳ SEA Games lần này, trong đó tập trung vào các môn Olympic và ASIAD, Thể thao Việt Nam đang nỗ lực, khẩn trương và có những giải pháp quyết liệt. Trong đó, công tác chuyên môn được đặc biệt chú trọng, ở thời điểm này, nếu VĐV và cả HLV không đảm bảo về chuyên môn, bộ môn cần tìm cá nhân khác phù hợp để thay thế.
Để đưa ra bảng tổng hợp về chỉ tiêu phấn đấu thành tích thật chính xác, bộ phận tổng hợp của Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31 được giao nhiệm vụ làm việc khoa học, sát sao và phối hợp chặt chẽ với từng môn thể thao.
Theo Baotintuc.vn