Sau thế hệ “vàng” Quang Hải, Phan Văn Đức, Tiến Linh, Đình Trọng…, bóng đá Việt Nam có quyền kỳ vọng vào dàn cầu thủ mới tiềm năng sau chức vô địch U23 Đông Nam Á 2022 của U23 Việt Nam (nòng cốt là lứa U21). Tuy nhiên, nhìn về bình diện các giải quốc nội là V-League và giải hạng Nhất, nhiều nhân tố trẻ trong đội hình vừa lên ngôi vô địch nói riêng, các cầu thủ trẻ nói chung chưa có nhiều cơ hội ra sân “cọ xát”, “thử lửa” ở CLB chủ quản.
Dụng Quang Nho (trái) là một trong số ít cầu thủ trẻ được ra sân thường xuyên ở V-League. Ảnh: VFF |
Ví dụ tiêu biểu là hậu vệ Lê Thành Lâm của Sông Lam Nghệ An (SLNA). Hậu vệ này được đôn lên đội 1 SLNA từ mùa giải 2019. Anh có thể hình lý tưởng và lối chơi năng nổ, thi đấu ấn tượng ở giải U21 quốc gia 2020 và hạng Nhất quốc gia 2021 (theo dạng cho mượn trong màu áo Đắk Lắk) và trở thành tuyển thủ U23. Thế nhưng, hiện tại cầu thủ sinh năm 2000 chưa có một phút thi đấu chính thức trong màu áo đội bóng xứ Nghệ tại V-League.
Đầu mùa giải V-League 2022, Lâm tiếp tục vắng mặt trong danh sách cầu thủ SLNA do HLV trưởng Nguyễn Huy Hoàng công bố. Cùng tuổi với Thành Lâm, thủ môn Đặng Tuấn Hưng (SHB Đà Nẵng) chưa từng được bắt chính cho đội 1 tại V-League mà chỉ được ra sân ở các giải trẻ. Tại giải U23 Đông Nam Á, anh chỉ là lựa chọn thứ 3 của HLV Đinh Thế Nam vì chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên đã tận dụng tốt cơ hội ra sân hiếm hoi và góp công vào chiến thắng cho đội tuyển. Với bản hợp đồng cho mượn đến Phố Hiến mới đây, Tuấn Hưng có cơ hội khẳng định bản thân trước khi trở về SHB Đà Nẵng.
Đây là 2 trong số nhiều cầu thủ trẻ chưa có nhiều cơ hội thi đấu ở các giải quốc nội. Một số trường hợp khác may mắn hơn, như Trần Mạnh Quỳnh và Hồ Văn Cường được SLNA đôn lên đội 1 trong mùa giải này, Vũ Tiến Long vừa được Hà Nội FC đăng ký bổ sung cho V-League 2022, Dụng Quang Nho có 3 mùa ra sân ở V-League 2022 cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và vừa chuyển đến Hải Phòng theo dạng cho mượn.
Đầu mùa giải 2022, với ảnh hưởng từ Covid-19, ban tổ chức V-League cho phép các đội được đăng ký tối đa 35 cầu thủ thay vì 30 người như các mùa bóng trước đây. Điều này cho phép 13 CLB tham dự đôn thêm những nhân tố trẻ từ tuyến dưới, trong số đó có người lên đội 1 khi mới 16 tuổi (thủ môn Văn Tiến của SHB Đà Nẵng), HAGL đăng ký đến 15 cầu thủ sinh năm 2000 trở về sau, Nam Định và Hà Nội FC đưa lứa U21 từ lò đào tạo lên đội 1.
Có thể thấy, đây là động thái bổ sung lực lượng dự phòng trong bối cảnh dịch bệnh hơn là yếu tố chuyên môn. Bởi theo tâm lý và áp lực cạnh tranh, cũng như trình độ đồng đều giữa các đội ở V-League, bản thân các đội bóng chủ quản vẫn ưu tiên sử dụng nhân tố giàu kinh nghiệm và lực lượng ngoại binh hơn là nhân tố trẻ. Còn nhớ sau trận hòa 2-2 của đội tuyển Việt Nam với U22 Việt Nam thời điểm 27-12-2020, HLV Park Hang-seo đề nghị VFF và VPF có cơ chế để các CLB V-League cho cầu thủ trẻ ra sân, tuy nhiên nhiều HLV trong nước thời điểm đó như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ có phản biện, chỉ ra cái khó về áp lực thành tích và chất lượng giải đấu - điều mà những nhân tố trẻ chưa chắc bảo đảm.
Các giải trẻ như U17, U19, U21 cấp quốc gia vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng đây không phải là cấp độ cao nhất cho cầu thủ trẻ. Ít cọ xát thực tế, chuyên môn khó phát triển, kéo theo khó khăn trong việc xây dựng thế hệ tài năng cho bóng đá trong tương lai. Làm sao để vừa tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ ở cấp độ chuyên nghiệp, vừa bảo đảm chất lượng bóng đá nước nhà, chính là vấn đề mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và các đội bóng cần sớm có phương án.
TRƯỜNG KỲ