Thường nước chủ nhà nào tổ chức SEA Games đều không khó giành ngôi vị nhất toàn đoàn. Đã đến lúc thể thao Đông Nam Á cần hướng đến những mục tiêu xa hơn.
U23 Việt Nam từng vô địch SEA Games 30 và đến lúc cần hướng đến những mục tiêu cao hơn. Ảnh: H.L |
Để tổ chức SEA Games 31, kinh phí chúng ta bỏ ra là 750 tỷ đồng, số tiền lớn trong bối cảnh hai năm Covid-19 làm nền kinh tế chịu nhiều khó khăn. Hiện nay, các hạng mục phục vụ công tác tổ chức, thi đấu của SEA Games bước vào giai đoạn hoàn thiện. Về cơ bản, chúng ta không quá khó để tổ chức thành công một kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á.
Kinh nghiệm từng đăng cai SEA Games năm 2003 còn đó, nên nếu có băn khoăn, nằm chính ở năng lực xử lý tình huống phát sinh, cùng khâu trọng tài cần được tập huấn kỹ. Kinh nghiệm các kỳ SEA Games cho thấy, chủ nhà nào cũng cố gắng đưa các môn thể thao truyền thống, sở trường của đất nước mình vào thi đấu.
Đồng thời, lực lượng trọng tài thường ưu ái các VĐV của chủ nhà. Từ đó xảy ra nhiều bất bình mà các nước tham gia cam chịu. Trong khi đó, lẽ ra các nước cần hướng đến việc rút ngắn các môn thi đấu, chỉ tập trung nội dung nằm trong hệ thống Olympic. Chỉ như thế, chất lượng của các tấm huy chương mới cao, giúp sự đầu tư cho các VĐV đỉnh cao có điều kiện phát triển.
Bài học cho thấy, khi bước ra các sân chơi lớn như ASIAD, Olympic, thể thao các nước trong khu vực Đông Nam Á đều thất bại. Gần nhất là Olympic Tokyo 2021, chỉ có 3 nước giành được 1 HCV là Philippine, Thái Lan, Indonesia.
Việt Nam tham gia 18 VĐV nhưng trắng tay. Năm nay, Việt Nam đặt nhiều nỗ lực để mang đến một kỳ SEA Games chất lượng. Nếu như SEA Games 30 có đến 56 môn thi đấu, năm nay rút xuống còn 40, đa phần là những môn thể thao được áp dụng tại thế vận hội. Chủ nhà Việt Nam cam kết không cắt giảm nội dung nào của các môn trong hệ thống Olympic, ước chiếm khoảng 2/3 chương trình thi đấu chính thức. Đấy là một bước đột phá về tư duy.
Với SEA Games, bóng đá vẫn là môn thể thao vua, rất nhiều quốc gia chưa một lần vô địch. Ngay cả một đất nước mê bóng đá, đầu tư nhiều như chúng ta cũng chỉ một lần lên ngôi năm 2019. Riêng Thái Lan đã 9 lần đăng quang SEA Games, chưa kể từng vô địch AFF Cup (trước đây là Tiger Cup) đến 6 lần.
Vậy nhưng, biểu tượng này chưa thể vươn ra biển lớn, nghĩa là cúp vô địch giải Đông Nam Á không nằm trong hệ thống của FIFA. Nên đã đến lúc, các nước trong khối ASEAN cần thay đổi chiến lược, tầm nhìn phát triển bóng đá mới không bị tụt hậu. Bóng đá nước nhà cũng vậy, không nên bằng mọi cách để vô địch SEA Game, để rồi giải chuyên nghiệp bị gián đoạn quá nhiều lần.
Các nước luôn coi trọng giải vô địch quốc gia, thậm chí CLB không chịu nhả quân cho đội tuyển quốc gia nếu như quyền lợi CLB bị phương hại. Chúng ta thì khác, như V-League 2022 này bị ngắt quãng đến 4 lần, nghỉ gần 4 tháng để ưu tiên các đội tuyển quốc gia.
Bóng đá Việt Nam đang ở một vị thế mới. Đội tuyển nữ giành vé dự World Cup, bóng đá nam vô địch SEA Games, á quân U23 châu Á, dự U20 World Cup… Nên cần đầu tư có chiều sâu để nhắm tới các mục tiêu lớn lao hơn. Nói rộng ra, thể thao Đông Nam Á phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng của các kỳ SEA Games.
MỘC MIÊN