Một thời, báo chí thể thao chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của độc giả. Thời bao cấp ít trò giải trí, bóng đá càng là “vua”. Vậy nên, số tờ báo, tạp chí, chuyên san thể thao, các đơn vị thông tin dành thời lượng cho thể thao và bóng đá nói riêng rất nhiều. Ai đó nói đùa Việt Nam nhất thế giới về số tờ báo thể thao, không phải là thiếu cơ sở...
Báo thể thao lên ngôi
Năm 2000, tôi tốt nghiệp văn chương nhưng vào Đà Nẵng làm báo Thể thao Việt Nam của Ủy ban Thể dục - Thể thao (TDTT) cũ. Lúc đó cũng có phần “tủi thân” khi ai đời học văn mà làm báo thể thao. Trong khi, bạn bè chọn những tờ báo chính trị, xã hội trông “oách” và “sang” hơn.
Bóng đá luôn là môn thể thao được yêu thích tại Việt Nam. TRONG ẢNH: Đội tuyển U23 Việt Nam giành Huy chương Vàng môn bóng đá nam tại SEA Games 31, tổ chức tại Việt Nam. Ảnh: Vietnam+ |
Ấn tượng của buổi mới vào nghề là Vòng chung kết U16 châu Á tổ chức tại Đà Nẵng. Lúc đó, sân Chi Lăng tạo nên cơn địa chấn về số lượng khán giả theo dõi, phóng viên khắp nơi đổ về đưa tin. Niềm vui nhân lên bội phần khi lứa Văn Quyến, Như Thuật, Ánh Cường, Lâm Tấn…, dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Văn Thịnh đã thi đấu vô cùng ấn tượng. Tôi choáng ngợp với không khí đó. Đấy cũng là lần đầu tiên được gặp nhiều nhà báo thể thao nổi tiếng, ăn mặc “hầm hố”, trên tay là những bộ đồ nghề khủng như Canon EOS 1D với ống kính L, Nikon D1X có giá vài trăm triệu, thời đó vàng chỉ 700 .000 đồng/chỉ.
Báo Thể thao Việt Nam lúc đó in ở Đà Nẵng mỗi ngày 20.000 tờ. Anh em thường trú gạo cội đời sống xông xênh. Chiều chiều, trụ sở văn phòng báo tại Ngô Gia Tự là điểm giao lưu của nhiều đồng nghiệp. Nhìn cảnh đó, phóng viên trẻ như tôi bắt đầu nghĩ đến tương lai tươi sáng của nghề phóng viên thể thao đã chọn mình.
Tại Vòng chung kết U16 châu Á năm đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã cho in vài trăm tờ bản tin về giải và phát miễn phí trên sân Chi Lăng. Nhận thấy sự đón nhận của độc giả quá lớn, ngay sau đó, VFF đã cho ra đời Báo Bóng đá, để rồi tờ báo này đã có cuộc lật đổ ngoạn mục so với các tờ thể thao đàn anh chỉ sau vài năm. Nhiều doanh nhân cảm nhận được địa hạt thịnh vượng này nên đã liên kết để ra đời các tờ như Thể thao ngày nay, Thể thao và Cuộc sống, Thể thao 24h, Tạp chí Thể thao...
Nhưng lúc đó, có hai tờ báo Thể thao đình đám nhất là Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh (Sở Thể dục - Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh). Thu nhập không phải là vấn đề phóng viên phải bận tâm. Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đó còn có tờ Sài Gòn giải phóng thể thao cũng lừng danh.
Đấy là chưa kể các tờ báo từ lớn đến nhỏ đều có một trang giành cho thể thao. Đến ngày hội bóng đá lớn như SEA Games, EURO, World Cup, phong trào làm tin nhanh được nhiều báo triển khai rầm rộ.
Nghĩa tình và say nghề
Đà Nẵng từ lâu đã là thành phố của sự kiện, trong đó có sự kiện thể thao. Những năm 2000, thành phố thường được ưu tiên chọn làm địa điểm tổ chức các giải đấu lớn, nên phóng viên thể thao khắp 3 miền liên tục gặp nhau. Rất nhanh chóng, anh em đều trở nên thân thiết, hỗ trợ nhau rất nhiều trong công việc. Thành phố Hồ Chí Minh có Tường Vy, Nguyễn Nguyên, Thu Hồng, Công Tuấn, Tấn Phước, Hoàng Hùng, Việt Tâm, Quang Nhựt, Bạch Dương, Sỹ Huyên, Quang Tuyến, Dư Hải, Đình Xê, Đào Tùng… Hà Nội có Nguyễn Lưu, Xuân Gụ, Đỗ Hóa, Quốc Hùng, Quốc Huy, Quang Minh, Vi Quang Đạo, Hồng Ngọc, Việt Dũng, Hữu Bình, BLV Vũ Quang Huy, Ngô Quang Tùng.
Lúc đó, ở Đà Nẵng, anh em phụ trách thể thao rất đông, nhiều thế hệ. Lớn tuổi có các anh Đình Sang (VTV), Trần Quang (Đài Phát thanh và truyền hình Đà Nẵng), Văn Sơn (TTXVN). Sau chút nữa có Ngô Anh Vũ (Báo Đà Nẵng), Nam Phong (Báo Thể thao Việt Nam), Thế Sinh (Báo Công an Đà Nẵng), Hải Châu; rồi lứa trẻ có Quang Long, Hoàng Hưng, Hữu Quý, Phi Hải, Thuận Phong, Quang Hải, Trần Tuấn…
Không thể kể hết những ân tình, kỷ niệm đồng nghiệp gặp nhau tại Đà Nẵng, hay rong ruổi khắp các sân cỏ miền Trung như sân Tự Do - Huế, Quy Nhơn, Khánh Hòa, Gia Lai.
Thoạt nhìn, nghề phóng viên thể thao trông tưởng là nhàn, kỳ thực anh em rất vất vả. Mỗi khoảnh khắc, mỗi trận đấu để chuyển tải thông tin nhanh đến độc giả không đơn giản vì thời đó internet chưa phủ sóng rộng khắp và có tốc độ cao, điều kiện tác nghiệp chưa thuận lợi như bây giờ.
Tác giả đang tác nghiệp tại World Cup 2018. |
Nghề viết thể thao cũng đã tạo ra rất nhiều cây viết nổi tiếng cả nước, nhận được sự kính nể của phóng viên ngoài địa hạt. Đình Xê với những bài bình luận bóng đá bay bổng, lãng mạn đậm chất “văn”. Tường Vy với những mẩu bình luận dung lượng bằng “bao diêm” nhưng ngôn từ như “sấm sét”. Nguyễn Nguyên đến nay vẫn là một trong những nhà báo thể thao “của hiếm”. Hai BLV Vũ Quang Huy, Ngô Quang Tùng rất khó để thay thế. Nhà báo gạo cội Nguyễn Lưu đa tài, chưa sót kỳ SEA Games nào mà không tham dự kể từ này thể thao Việt Nam bước vào hội nhập. Nhà báo Đỗ Hóa khí phách hơn người…Tất cả đã dựng nên một bức tranh đầy sinh động của làng báo thể thao và giới phóng viên lĩnh vực này.
Từng dự SEA Games, ASIAD, EURO, World Cup ở nước ngoài, tôi thật tự hào khi chứng kiến lực lượng phóng viên Việt Nam luôn hùng hậu. Ngoài phương tiện hành nghề hiện đại, họ còn thể hiện được các phẩm chất của một nhà báo thể thao năng động, sâu sắc và văn minh. Chính họ đã cung cấp cho độc giả quê nhà nhiều khoảnh khắc, câu chuyện độc đáo, góp phần xua tan những mệt mỏi đời thường. Đằng sau mỗi thông điệp là những giọt mồ hôi thầm lặng đổ xuống mà không phải ai cũng thấu tỏ.
Không sợ thiếu chỗ đứng trong lòng độc giả
Hiện nay, hàng loạt tờ báo thể thao đã phải đóng cửa, hoặc chuyển sang tạp chí. Nguyên nhân cơ bản là các tờ báo thể thao đều gặp khó khăn do lượng bán ra không đủ chi phí, trong khi độc giả đã chuyển sang đọc online, nội dung sinh động, thông tin nhanh hơn. Nổi tiếng như tờ Báo Bóng đá cũng đã chuyển thành tạp chí, số lượng báo giấy bán ra rất khiêm tốn, thu nhập anh em phóng viên bị cắt giảm rất nhiều.
Trong hoàn cảnh đó, nhiều tờ báo thể thao đã chuyển sang đầu tư cho trang điện tử, lập kênh Youtube, Facebook…, để đón đầu xu hướng đọc mới. Nhiều tờ báo thể thao uy tín đã phải đứng giữa hai sự chọn lựa: thông tin nhanh hay là duy trì tính hàn lâm? Mẫu số chung đều ưu tiên cho sự nhanh nhạy, yêu cầu tuyển phóng viên cũng chú trọng đến khả năng khai thác thông tin nhanh và làm được nhiều sản phẩm báo chí, thay vì ưu ái các cây viết thâm sâu.
Cuộc đời “bãi biển, nương dâu”, lĩnh vực báo chí thể thao không thể đứng ngoài quy luật vẫn động và phát triển của truyền thông hiện đại. May mắn cho anh em đồng nghiệp viết thể thao, Việt Nam vẫn chứng minh là đất nước đam mê thể thao hàng đầu. Nhịp điệu bóng đá luôn nhảy nhót trong dòng máu của mỗi người dân. Hãy nhìn SEA Games 31 vừa kết thúc đủ biết vẫn còn nhiều “đất sống” cho các phóng viên, báo chí thể thao.
Vấn đề là phụng sự độc giả thời buổi 4.0 theo cách nào, đấy là sự khác biệt của mỗi tòa soạn. Có một điều chắc chắn rằng, nếu các tờ báo, tạp chí thể thao vận hành tử tế, các phóng viên biết trọng nghề, không ngừng mài giũa ngòi bút sắc bén, thì sẽ không sợ thiếu chỗ đứng trong lòng độc giả cũng như trong sự nghiệp.
HỮU QUÝ