Người hâm mộ bóng đá cả nước rất hứng khởi khi cơ hội giành vé dự World Cup của đội tuyển bóng đá nam đã được nới rộng hơn. Dù thế, chúng ta cần tranh luận và xây dựng lại chiến lược một cách lý tính, khoa học mới hy vọng hiện thực hóa giấc mộng.
Để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, bóng đá Việt Nam cần chăm chút lứa U23 hiện nay và các tài năng trẻ. Ảnh: M.M |
AFC đã phê duyệt thể thức vòng loại World Cup 2026 của châu Á để các đội cạnh tranh cho 8 suất trực tiếp và một suất play off liên lục địa, sau khi FIFA nâng số lượng đội dự vòng chung kết World Cup từ 32 lên 48 đội. Các quốc gia châu Á sẽ trải qua bốn vòng đấu.
Đội tuyển Việt Nam sẽ được miễn vòng sơ loại (dành cho các đội xếp từ hạng 26 đến 47 châu Á, trong khi Việt Nam đang đứng hạng 17 châu Á). Chúng ta sẽ tham dự từ vòng loại thứ hai World Cup 2026 gồm 36 đội (tính cả 11 đội vượt qua vòng sơ loại) chia thành 9 bảng và sau hai lượt đấu đi - về, chọn hai đội đứng đầu mỗi bảng vào vòng 3. Đến lúc này, nếu đi tiếp bóng đá Việt Nam sẽ cùng nhóm 18 đội mạnh nhất châu Á chia làm ba bảng, đá vòng tròn hai lượt để chọn ra sáu đội nhất, nhì mỗi bảng lấy vé trực tiếp chơi World Cup. Giai đoạn này gần như chỉ dành cho những ông lớn nằm trong top 10 châu Á, khiến các đội bóng Đông Nam Á cực khó chen chân.
Khả năng lớn nhất của bóng đá Việt Nam có thể nằm trong nhóm xếp hạng 3-4 của vòng 3, gồm 6 đội chia làm hai bảng, tranh thêm hai suất trực tiếp dành cho hai đội đứng đầu bảng. Hai đội nhì của vòng 4 tiếp tục đá play off tranh nửa suất cuối cùng, đội thắng sẽ gặp đối thủ ở Nam Mỹ hoặc CONCACAF.
Dù cơ hội mở ra nhưng phải thừa nhận để giành được tấm vé dự World Cup, bóng đá Việt Nam còn quá nhiều việc phải làm. Trong đó, cơ bản là về chuyên môn.
Tại vòng loại World Cup 2022, thế hệ Quang Hải, Công Phượng, Hùng Dũng, Tiến Linh… ở thời điểm đỉnh cao nhất đã lọt đến tận vòng loại thứ 3. Nhưng, chúng ta không thể gây bất ngờ, đã để thua đến 6 trận, chỉ thắng duy nhất trước Trung Quốc.
Sau khi chia tay vòng loại World Cup, đội tuyển Việt Nam lại nhanh chóng bị loại ở AFF Cup. Từ đó đến nay, khi AFF Cup 2022 chưa diễn ra, người hâm mộ vẫn chưa nhận biết trình độ chuyên môn của đội tuyển Việt Nam. Nếu không có gì thay đổi, tháng 11 sang năm vòng loại World Cup 2026 sẽ khởi tranh. Có nghĩa, chúng ta còn tầm 15 tháng để chuẩn bị cho mặt trận lớn. Liệu với quỹ thời gian đó, bóng đá Việt Nam có tạo được một bước “đại nhảy vọt”?
Nhận định về cơ hội, Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết: “Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này bằng một kế hoạch chuẩn bị hết sức bài bản, chuyên nghiệp và đồng bộ. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, không chỉ Việt Nam nhìn thấy cơ hội này để tăng mức đầu tư và có sự chuẩn bị thật kỹ mà các nước châu Á khác cũng sẽ chạy đua quyết liệt. Việt Nam cần phải có sự đầu tư lớn từ VFF nói riêng, cũng như ngành thể thao nói chung”.
Đầu tư từ đâu, đấy là câu hỏi hóc búa khi chất lượng cầu thủ hiện nay đang ở giai đoạn chuyển giao, hệ thống giải chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự là sân chơi của các tài năng trẻ, trong khi kinh phí để đầu tư cho mục tiêu dự World Cup rất lớn.
“Hợp đồng của ông Park và VFF sẽ chính thức hết hạn vào tháng 1-2023. Điều này sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch của đội tuyển Việt Nam hướng tới World Cup 2026. Chúng ta còn phải có một chiến lược tốt, trong đó đặc biệt là chăm sóc cầu thủ trẻ. V-League phải có sự tiến bộ, trở thành môi trường rèn giũa thực chiến”, bình luận viên Quang Huy chia sẻ.
Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng: “Điều quan trọng lúc này là chất lượng của các giải vô địch quốc gia, sự quan tâm tới các tuyến trẻ và bài toán đầu tư cụ thể là bao nhiêu tiền. Các quốc gia đặt mục tiêu dự World Cup họ thường phải chi hàng chục triệu USD. Đó là bài toán không dễ với Việt Nam. Như vậy, cơ hội là có, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ với chúng ta”.
Ở tầm World Cup, bóng đá Việt Nam đã có sự tham dự của Futsal, đội tuyển nam U20, bóng đá nữ. Từ cái đà lọt đến tận vòng loại cuối cùng World Cup 2022, các chiến binh áo đỏ vẫn cần rất nhiều phẩm chất thì mới hy vọng đoạt được vé dự World Cup.
MỘC MIÊN