Sự nghiệp viên mãn của Federer

.

Ở tuổi 41, Roger Federer tuyên bố giải nghệ, khép lại sự nghiệp viên mãn gắn liền với trái banh nỉ. Hơn 24 năm thi đấu chuyên nghiệp, nhiều lần đứng trên đỉnh cao danh vọng, tay vợt người Thụy Sĩ được xem là huyền thoại của quần vợt thế giới.

Federer tuyên bố giã từ sự nghiệp ở tuổi 41. Ảnh: AP.
Federer tuyên bố giã từ sự nghiệp ở tuổi 41. Ảnh: AP.

Cách đây hơn một năm, ngày 7-7-2021 tại Wimbledon (Anh), ở tuổi 39, Federer trở thành tay vợt lớn tuổi nhất tranh tài tại tứ kết một giải Grand Slam. Sau khi để thua hạt giống số 14 người Ba Lan Hubert Hurkacz, Federer vẫy tay và nở nụ cười chào khán giả. Tất cả những người có mặt trên khán đài lúc ấy đều đứng dậy vỗ tay tán thưởng và ghi lại khoảnh khắc Federer rời sân đấu. Bởi họ biết, đây có thể là lần cuối cùng nhìn thấy huyền thoại người Thụy Sĩ tại Grand Slam.

Đúng như dự đoán, tối 15-9 vừa qua, Federer nói lời giã từ sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp. Trên trang cá nhân, “Tàu tốc hành” cho biết: “Tôi đã 41 tuổi và chơi hơn 1.500 trận đấu trong hơn 24 năm qua. Tôi nghĩ đến lúc phải dừng lại sự nghiệp. Laver Cup sắp tới tại London là giải ATP cuối cùng của tôi. Tôi vẫn chơi tennis trong tương lai, nhưng không phải ở các giải Grand Slam hay ATP Tour. 3 năm qua, tôi trải qua nhiều thử thách với những chấn thương và các ca phẫu thuật. Dù cố gắng trở lại thi đấu nhưng tôi hiểu giới hạn của cơ thể mình. Quyết định dừng lại khiến tôi bỏ lỡ toàn bộ những giải đấu sắp tới, nhưng có nhiều điều để ăn mừng. Tôi xem bản thân là một trong những người may mắn nhất hành tinh. Tôi được ban cho tài năng đặc biệt, làm điều đó ở trình độ mà tôi chưa từng tưởng tượng và lâu hơn tôi nghĩ”.

Federer đến với quần vợt từ năm 8 tuổi khi anh được nhận vào đội quần vợt trẻ của thành phố Basel (Thụy Sĩ). Anh trở thành cậu bé nhặt bóng ở giải đấu trên quê hương vào năm 1992 và 1993. Sau quá trình kiên trì và nỗ lực tập luyện, năm 1998 tại London (Anh), Federer giành danh hiệu Wimbledon trẻ đơn nam khi mới 16 tuổi. Anh cũng vô địch trẻ đôi nam tại giải đó, khi đánh cặp với Olivier Rochus. 5 năm sau, Federer lần đầu giành Grand Slam đơn nam trưởng thành. Kể từ đây, “Tàu tốc hành” bắt đầu chinh phục mọi giới hạn để trở thành tay vợt huyền thoại thế giới. Trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, Federer giành được 103 danh hiệu, 310 tuần ở vị trí số một thế giới, trong đó có kỷ lục 237 tuần liên tiếp. Anh là người đầu tiên cán mốc 20 Grand Slam. Anh thắng 8 giải Wimbledon, 6 giải Australia mở rộng, giữ kỷ lục 5 lần liên tiếp vô địch Mỹ mở rộng và một lần vô địch Pháp mở rộng. Ngoài ra, Federer giành 6 danh hiệu ATP Finals, Huy chương Bạc đơn nam Olympic 2012 và Huy chương Vàng đôi nam Olympic 2008.

Trong các danh hiệu kể trên, chiếc cúp vô địch Pháp mở rộng năm 2009 mang lại cảm xúc nhiều nhất cho Federer và người hâm mộ. Sau khi đối thủ Robin Soderling trả bóng trúng lưới, Federer hét lớn, khuỵu gối nhắm mắt, nhỏ lệ, rồi ngửa mặt và giơ hai tay lên trời, như để nếm vị ngọt của danh hiệu mà anh khát khao bậc nhất trong sự nghiệp.

Federer từng là biểu tượng của chiến thắng với những cú thuận tay mang thương hiệu riêng. Anh là sự kết hợp của một vũ công ba-lê và một nhà toán học, người luôn có những vũ điệu làm mê đắm khán giả trên sân cùng những cú đánh chuẩn xác chỉ có ở một thiên tài. Sự duyên dáng trong lối chơi của Federer là chuẩn mực của mọi so sánh. Đặc biệt, trước mỗi trận đấu, Federer luôn biết cách thu hút mọi ánh nhìn và sự cổ vũ từ sự giản dị của mình. Điển hình như tại Wimbledon năm 2012, Andy Murray mang theo kỳ vọng giải “cơn khát” danh hiệu của người Anh vào chung kết, nhưng Federer vẫn chiếm được tình cảm của khán giả xứ sở sương mù và sau đó trở về với chiếc cup thứ 7 trên tay.

Trong suốt sự nghiệp thi đấu, Federer cũng gặp những đối trọng lớn, trong đó có Novak Djokovic và Rafael Nadal. “Sóng sau đè sóng trước”, Federer không giữ được mãi kỷ lục cho riêng mình. Tuy nhiên, nếu so với những tay vợt cùng tuổi nghề, thời gian thi đấu đỉnh cao, thì tay vợt người Thụy Sĩ xứng đáng với chiếc vương miện trên đầu.

“Tàu tốc hành” đã về ga cuối, nhưng di sản anh tạo ra mãi còn đó. Tạm biệt Federer, tượng đài của quần vợt thế giới!

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.