Tại SEA Games 31 vừa qua, thông điệp “nói không với doping” được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, câu chuyện doping đang nóng lên dù SEA Games đã kết thúc hơn 3 tháng.
SEA Games 31 đã bế mạc hơn 3 tháng nhưng “dư âm” vẫn còn đó qua nghi án doping. Ảnh: M.M |
Mấy ngày qua, thông tin mẫu thử lần một của 6 VĐV đoàn thể thao Việt Nam dương tính với chất cấm trong quá trình thi đấu ở SEA Games 31 gây xôn xao dư luận. Trong số này, có hai VĐV điền kinh, những người đã giành huy chương ở SEA Games 31.
Tại SEA Games 31, điền kinh Việt Nam xếp Nhất toàn đoàn kỳ thứ ba liên tiếp, vượt qua đoàn Thái Lan (12 HCV, 11 HCB, 8 HCĐ), với 22 HCV, 14 HCB, 8 HCĐ, Việt Nam bỏ xa đoàn Thái Lan. Đội tuyển điền kinh Việt Nam đã tham dự 41/47 nội dung và giành huy chương ở 33 nội dung. Theo lãnh đạo bộ môn điền kinh thuộc Tổng cục Thể dục - Thể thao, Liên đoàn Điền kinh chưa có bất kỳ thông báo cụ thể nào về danh tính các VĐV nghi ngờ dính chất cấm. Đối với trường hợp “hai VĐV điền kinh nghi dính chất cấm cũng chưa thể xác thực”.
Theo nguồn tin, không chỉ các mẫu thử của VĐV Việt Nam, mà còn một số VĐV nước khác cũng cho kết quả dương tính với chất cấm. Việc đưa ra kết luận cuối cùng các VĐV này có dính chất cấm hay không phải còn tiếp tục chờ kết quả mẫu xét nghiệm thứ hai. Việc lấy mẫu xét nghiệm chất cấm ở SEA Games 31 được tiến hành với khoảng 1.000 trường hợp là những VĐV đoạt thứ hạng cao hoặc được chỉ định ngẫu nhiên từ ban tổ chức. Tháng trước, kình ngư số một của môn bơi Singapore Josheph Schooling có kết quả dương tính với cần sa. Sau đó, VĐV này đã thừa nhận sử dụng loại chất cấm này trong quá trình thi đấu ở SEA Games 31. Nữ VĐV Amanda Lim cũng có kết quả dương tính với cần sa và thừa nhận chơi cùng với đàn em Schooling.
SEA Games 31 là Đại hội Thể thao Đông Nam Á thành công nhất của Việt Nam khi giành ngôi nhất toàn đoàn với 205 HCV, 125 HCB, 116 HCĐ. Đại hội có 526 nội dung của 40 môn thể thao. Tuy nhiên, hình ảnh thể thao chủ nhà chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng trong trường hợp VĐV Việt Nam đã tham dự SEA Games 31 và thậm chí còn giành huy chương, bị phát hiện dương tính với doping.
Vấn nạn doping vốn nhức nhối với thể thao thế giới, nên các nước mới phải ký vào hiệp ước nói không với các chất cấm. Tuy nhiên, vì bệnh thành tích nên không phải VĐV nào (thậm chí lãnh đạo bộ môn thể thao nào) cũng dũng cảm nói không với doping. Với thể thao Việt Nam, chúng ta phải trả giá rất đắt khi 17 năm qua, có 16 VĐV đã bị phát hiện sử dụng chất cấm ở nhiều giải quốc tế. Cử tạ là môn có nhiều VĐV dính nhất, với 6 đô cử “dính chàm”. Điều đáng nói, 5/6 trường hợp của môn này rơi vào các lực sĩ từng vô địch thế giới hay vô địch giải trẻ thế giới, thậm chí giành HCB Olympic. Trong kỳ SEA Games 2003 đại thắng trên sân nhà, thể thao Việt Nam cũng có 4 trường hợp dính doping.
Cũng ít người biết rằng, trước khi SEA Games 31 diễn ra tại Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, ở môn thể hình, một số VĐV đã được Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam tổ chức lấy mẫu thử kiểm tra và phát hiện 8 trường hợp có dương tính với chất cấm. Tất nhiên, các VĐV này đã bị loại khỏi danh sách đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 31. Nói thế để thấy, “bóng ma” doping đang làm ảnh hưởng đến sự lành mạnh và uy tín của thể thao Việt Nam như thế nào.
Theo ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31: “Về nguyên tắc, chỉ khi có thông báo chính thức của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) thì các kết quả mới được công bố chính thức. Hiện tại, chúng tôi chưa có kết quả này nên không thể có bất cứ thông tin nào”.
MỘC MIÊN