"Ghế nóng" VFF gọi tên ai?

.

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức đại hội khóa 9 (nhiệm kỳ 2022-2026) vào ngày 6-11 tại Hà Nội. Chủ nhân những chiếc “ghế nóng” VFF nhiệm kỳ tới nhận được sự quan tâm của người hâm mộ bởi nó mở ra bước ngoặt mới trong hành trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) và Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại Cao Văn Chóng sẽ ra tranh cử tại Đại hội VFF khóa 9.  Ảnh: VFF
Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn (phải) và Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại Cao Văn Chóng sẽ ra tranh cử tại Đại hội VFF khóa 9. Ảnh: VFF

Đại hội sẽ bầu ra 17 thành viên ban chấp hành, trong đó có 1 chủ tịch, 3 phó chủ tịch và 13 ủy viên. Hiện ngoài vị trí chủ tịch VFF có một ứng viên là ông Trần Quốc Tuấn, quyền Chủ tịch VFF khóa 8 thì 3 ghế phó chủ tịch thật sự nóng theo nghĩa đen. Ở vị trí phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ, hai ứng cử viên gồm: ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Next Media và ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính VFF khóa 8, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Động Lực bắt đầu có những bước chạy đua “tranh cử”.

Sự kiện Next Media mời CLB Borussia Dortmund sang đá giao hữu cùng đội tuyển Việt Nam vào ngày 30-11-2022 tại sân Mỹ Đình gây tiếng vang lớn. Đã lâu rồi, người hâm mộ không được chứng kiến trận giao hữu của đội tuyển Việt Nam với CLB hàng đầu thế giới. Đơn giản, để mời CLB tiếng tăm đòi hỏi bỏ ra một khoản kinh phí lớn. Tuy nhiên, lần này, Next Media “chịu chơi” để chiều lòng người hâm mộ. Thực tế, những năm qua, Next Media dưới định hướng phát triển của ông Kiên tạo ra “cầu nối” để các cầu thủ Việt Nam có cơ hội giao lưu, cọ xát với các cầu thủ đẳng cấp thế giới.

Không kém cạnh, trước thềm đại hội VFF, ông Lê Văn Thành biết cách hướng sự chú ý về mình. Mới đây, tập đoàn thể thao Động Lực của ông công bố đồng hành cùng sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Theo đó, Động Lực cung cấp thêm bóng thi đấu, bóng tập luyện và trang phục làm nhiệm vụ cho trọng tài, giám sát tại các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp Việt Nam với tổng giá trị tài trợ gần 90 tỷ đồng.

Cùng với phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ, vị trí phó chủ tịch phụ trách chuyên môn là cuộc đua “song mã” giữa hai ứng viên gồm: ông Trần Anh Tú, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành VFF khóa 8 cùng ông Dương Nghiệp Khôi, trợ lý quyền Chủ tịch VFF khóa 8. Tuy nhiên, so với đối thủ, ông Tú chiếm ưu thế bởi có những đóp góp lớn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong những năm qua.

Nhắc đến ông Tú, người hâm mộ nghĩ đến sự thăng hoa của futsal Việt Nam trong 6 năm gần đây với hai lần tham dự vòng chung kết World Cup. Là người tâm huyết, ông Tú tốn nhiều sức sang Thái Lan tìm hiểu về mô hình xây dựng, đào tạo và mời các HLV đẳng cấp thế giới đến làm việc để từng bước đưa futsal Việt Nam phát triển. Bên cạnh, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), ông Tú không ngừng nỗ lực đưa các giải bóng đá Việt Nam hướng tới chuyên nghiệp, thu hút các nguồn lực tài chính. Vừa qua, việc VPF bán bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho FPT với giá khoảng 60 tỷ đồng/mùa là một “cú hích” lớn để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu phát triển.

Ngoài hai cuộc đua trên, cuộc đua vào vị trí phó chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại cũng được dự báo khó lường. 3 ứng viên gồm: ông Cao Văn Chóng, Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông và đối ngoại khóa 8, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch CLB Phù Đổng và bà Nguyễn Thị Hoàng Phương, Phó Tổng Giám đốc VTVcab đều được đánh giá cao và sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Rõ ràng, với thành công của khóa 8, người hâm mộ có quyền đặt ra yêu cầu cao cho những người được “chọn mặt, gửi vàng” giữ các chức danh chủ chốt của VFF khóa 9. Hy vọng, những lá phiếu trách nhiệm sẽ chọn đúng người thực tài, xứng đáng để gửi gắm niềm tin, sứ mệnh “chèo lái” con thuyền bóng đá Việt Nam phát triển vững bền.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.