Có lẽ chỉ giải bóng đá chuyên nghiệp (V-League) chúng ta mới có tình trạng thưởng “lạ lùng” như đã và đang xảy ra.
Hà Nội FC là CLB tiêu biểu cho tính chuyên nghiệp mà nhiều CLB cần hướng đến. Ảnh: M.M |
Sau gần 22 mùa bóng thoát khỏi cái mác nghiệp dư, những người đang tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp đã định hình một đặc tính: trọng tiền. Đồng tiền dường như là thước đo, quyết định tất cả các mối quan hệ lẫn thành tích, thái độ chơi bóng của cầu thủ. Các địa phương đều cố tìm một vài doanh nghiệp để gánh vác kinh phí nuôi đội bóng. Từ đó, giao hẳn quyền quản lý, sinh sát cho doanh nghiệp. Trong khi, quá ít ông bầu thực sự đam mê bóng đá. Sau khi đánh bóng được tên tuổi, đạt được mục đích kinh doanh mượn cầu nối bóng đá, họ sẵn sàng bỏ rơi đội bóng…
Các ông bầu đều thi nhau đua tiền nhằm đạt thành tích trước mắt. Mỗi trận thắng từ vài chục triệu tiền thưởng, đã được bơm lên tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam thuộc dạng đắt nhất Đông Nam Á. Một gương mặt trẻ chỉ cần được gọi lên tuyển, ngồi dự bị, khi lên sàn chuyển nhượng sẽ được thổi giá rất cao, không đúng với thực tế tài năng.
Đã rất nhiều câu chuyện “dở khóc, dở cười” liên quan đến chuyện thưởng. Cầu thủ lãn công, kiêu binh, không chịu đá khi ông chủ thưởng ít. Thậm chí ở tầm đội tuyển, đã có thời Liên đoàn Bóng đá Việt Nam rất đau đầu khi mỗi giải SEA Games, AFF Cup, phải treo thưởng thật cao để mong cầu thủ chịu đá hết mình, để có thể lên ngôi vô địch. Điều đó đã gây nhiều bức xúc cho người hâm mộ. Nói đâu xa, ngay V-League mấy vòng gần đây chuyện thưởng đã nóng ran, vô cùng hài hước. Với ngôi vô địch vừa đạt được, Hà Nội FC chỉ nhận được 3 tỷ đồng tiền thưởng từ Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). CLB Hải Phòng được nhận 1,5 tỷ đồng cho ngôi á quân. Còn CLB Topenland Bình Định nhận 750 triệu đồng.
Số tiền ấy không là gì so với các CLB trong diện lo trụ hạng treo thưởng. Nam Định sau khi trụ hạng thành công được thưởng 3 tỷ đồng. Còn Thành phố Hồ Chí Minh FC, ngoài 3 tỷ đồng tiền thưởng cho việc thoát được “cửa tử”, đoàn quân của HLV Vũ Tiến Thành còn nhận thêm 4,5 tỷ đồng tiền thưởng thắng trận mà lãnh đạo CLB treo thưởng trong tám trận cuối cùng của mùa giải. CLB Sài Gòn càng khủng khiếp hơn, treo 10 tỷ đồng cho thầy trò HLV Phùng Thanh Phương, nếu đội trụ hạng thành công. Ngoài ra, một trận thắng CLB này sẽ được thưởng thêm 2 tỷ đồng, hòa cũng được 1 tỷ đồng.
Đến đây, chúng ta có thể cảm nhận được những hệ lụy rất trầm kha cho tính thực dụng và thói quen treo thưởng “không giống ai” ở V-League suốt những năm tháng qua. Không thể trách được vì sao cầu thủ chỉ nhìn tiền thưởng để đá, bất chấp trách nhiệm phải cống hiến cho CLB cho khán giả. Thậm chí, họ còn căn chỉnh các trận đấu trọng điểm để gây áp lực thưởng với lãnh đạo.
Bóng đá nước nhà vừa trải qua đợt khủng hoảng sâu sắc nhất trong lịch sử phát triển. Đại dịch đã khiến đa số các CLB đều lao đao, việc tìm đủ kinh phí hoạt động không phải là đơn giản. Trong khi đó, tất cả các CLB đều khoác mác công ty cổ phần bóng đá. Vậy mà, không CLB nào tự nuôi được bản thân, thông qua kinh doanh lĩnh vực bóng đá. Không chỉ vậy, họ sẵn sàng mua cầu thủ địa phương khác về, không chú trọng đào tạo trẻ. Điều đó dẫn đến mai một bản sắc, khán giả không muốn đến sân bởi toàn cầu thủ nơi khác về.
Với các CLB ở ta hiện nay, ưu tiên hàng đầu không phải là thành tích, mà cần xây dựng nên một mô hình công ty thể thao (bóng đá) thực sự chuyên nghiệp. Ở đó, mức lương, thưởng được định giá chuẩn xác so với sự cống hiến, tài năng của các thành viên. Cần có một bộ phận kinh doanh giỏi, biết khai thác quảng cáo, bán vé, đồ lưu niệm, kêu gọi tài trợ. Họ phải kết nối được với khán giả ruột, để tranh thủ được sự ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần từ các “thượng đế”. Sẵn sàng chấp nhận xuống hạng, không chịu thỏa hiệp trước những yêu sách vô lối của cầu thủ về chuyện thưởng. Tăng cường công tác đào tạo trẻ có chất lượng, để tự cung tự cấp, tạo ra giá trị truyền thống và bản sắc.
MỘC MIÊN