Thể thao

Cuộc đua của bốn ứng viên vô địch

08:32, 24/12/2022 (GMT+7)

AFF Cup 2022 trải qua lượt đấu đầu tiên, đẳng cấp cùng trình độ giữa các đội nhóm đầu và cuối có sự chênh lệch đáng kể. Không có chỗ cho “ngựa ô”, chức vô địch năm nay là sự cạnh tranh của 4 đội bóng: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

Sau trận đấu với Lào, đội tuyển Việt Nam quay lại tập luyện hướng đến trận đấu quan trọng nhất vòng bảng với Malaysia trên sân Mỹ Đình. Ảnh: VFF
Sau trận đấu với Lào, đội tuyển Việt Nam quay lại tập luyện hướng đến trận đấu quan trọng nhất vòng bảng với Malaysia trên sân Mỹ Đình. Ảnh: VFF

Với những thành tích dưới thời HLV Park Hang-seo trong 5 năm qua, đội tuyển Việt Nam được đánh giá là ứng viên số một cho ngôi vô địch. Lượt trận đầu tiên, Hùng Dũng và các đồng đội minh chứng điều đó. Dù vậy, AFF Cup là cuộc đua đường dài, đòi hỏi HLV Park Hang-seo xây dựng đội hình có chiều sâu. Trận đấu với Lào, Quang Hải, Văn Đức, Hoàng Đức khiến người hâm mộ lo lắng về tình trạng thể lực. Trong khi đó, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn chưa thể hiện được phẩm chất tốt nhất của mình. Văn Thanh, Văn Toàn tuy đều ghi bàn nhưng bỏ lỡ nhiều cơ hội. Đây là “bài toán” cần HLV Park Hang-seo tìm lời giải trước khi bước vào trận đấu quan trọng nhất vòng bảng với Malaysia trên sân Mỹ Đình ngày 27-12.

Lịch sử AFF Cup cho thấy sự “thống trị” của bóng đá Thái Lan với 6 lần vô địch. So với lần vô địch gần nhất, ở giải lần này, đội tuyển Thái Lan còn lại 7 cầu thủ là hậu vệ Theerathon Bunmathan, Kritsada Kaman, tiền vệ Sarach Yooyen, Bordin Phala, Weerathep Pomphan và tiền đạo Adisak Kraisorn, Teerasil Dangda. Hầu hết trong số 24 cầu thủ Thái Lan lỡ hẹn với giải lần này đang thi đấu trong nước nhưng các CLB không nhả người vì AFF Cup 2022 không thuộc hệ thống giải đấu chính thức của FIFA. Đáng kể nhất trong số các cầu thủ vắng mặt là Chanathip Songkrasin, Chaowat Veerachat và Supachok Sarachat đang thi đấu tại Nhật Bản.

Tuy vậy, thiếu hụt lực lượng không đồng nghĩa sức mạnh của thầy trò HLV Polking suy giảm. Lượt trận đầu tiên, “voi chiến” thị uy bằng chiến thắng 5-0 trước Brunei. Vắng ngôi sao số 1 Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan nổi lên là “bộ não” của Thái Lan. Với nhãn quan chiến thuật cùng khả năng điều phối thông minh, Bunmathan là “chìa khóa” mở ra chiến thắng của đội bóng xứ triệu voi.

Mục tiêu đi đến trận cuối cùng của đội tuyển Việt Nam và Thái Lan gặp thách thức từ vòng bán kết, nơi Việt Nam nhiều khả năng gặp Indonesia, Thái Lan đối đầu Malaysia. Ở bảng A, Malaysia được đánh giá cao dù không có lực lượng mạnh nhất. Nòng cốt của “những chú hổ” là các cầu thủ U23. Đáng chú ý là sự bổ sung hai ngoại binh nhập tịch là tiền vệ Lee Tuck (gốc Anh) và tiền đạo Ezequiel Agüero (gốc Argentina).

Malaysia được dẫn dắt bởi HLV tài năng người Hàn Quốc Kim Pan-gon. Từ khi ngồi vào “ghế nóng” thay HLV Tan Cheng Hoe đầu năm nay, ông Kim Pan-gon thổi luồng sinh khí mới, giúp Malaysia có chuỗi trận ấn tượng trong năm 2022 với 6 trận thắng, 2 trận hòa và để thua 2 trận, vượt qua vòng loại Asian Cup 2023 và giành ngôi á quân King’s Cup 2022. Malaysia đặc biệt nguy hiểm khi được thi đấu trên sân nhà Bukit Jalil với sự cổ vũ của hơn 87.000 cổ động viên. Trên bảng xếp hạng, Malaysia hiện xếp sau Việt Nam khi có cùng 3 điểm nhưng kém hiệu số.

Tương tự, với Indonesia, từ niềm cảm hứng thành công của HLV Park Hang-seo, Liên đoàn Bóng đá nước này đặt niềm tin vào HLV người Hàn Quốc khác là ông Shin Tae-yeong. Chiến lược gia này đã “hồi sinh” nền bóng đá xứ vạn đảo. Giờ đây, với các giải đấu từ cấp độ trẻ đến quốc gia, Indonesia luôn bước vào thi đấu với vị thế ứng viên vô địch. Tại AFF Cup 2020, thầy trò HLV Shin Tae-yeong thất bại trước người Thái trong trận chung kết. Vì thế, tại giải lần này, quyết tâm chiến thắng để phá bỏ lời nguyền “vua về nhì” của họ được nhân đôi.

PHI NÔNG

.