Bán kết lượt về, Thái Lan - Malaysia: Đánh thức bản lĩnh

.

Thất bại 0-1 trên sân khách trước Malaysia ở bán kết lượt đi, đội tuyển Thái Lan đối mặt nhiều khó khăn, thách thức ở trận lượt về AFF Cup 2022 diễn ra 19 giờ 30 hôm nay (10-1). Dù được đá trên sân nhà nhưng áp lực từ luật bàn thắng sân khách và mệnh lệnh phải thắng đè nặng đôi chân của Theerathon và các đồng đội. Dù vậy, nếu không muốn trở thành cựu vương, bản lĩnh “voi chiến” cần được đánh thức.

Đội tuyển Thái Lan (áo đỏ) đối mặt nhiều khó khăn khi để thua 0-1 trước Malaysia ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2022. Ảnh: FAM
Đội tuyển Thái Lan (áo đỏ) đối mặt nhiều khó khăn khi để thua 0-1 trước Malaysia ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2022. Ảnh: FAM

“Khắc tinh”

Đội tuyển Malaysia là “khắc tinh” của Thái Lan. Gần 9 năm qua, đội bóng xứ chùa vàng chưa một lần hưởng trọn niềm vui chiến thắng mỗi khi đụng độ “những chú hổ”. Cụ thể, từ năm 2014 đến nay, Malaysia thắng 5 trận, hòa 2 trong 7 lần đối đầu với Thái Lan. Trong 3 lần đối đầu gần nhất, Thái Lan đều để thua trước Malaysia, trong đó bao gồm trận bán kết lượt đi AFF Cup 2022 trên sân Bukit Jalil.

Lúc này, nỗi ám ảnh bị Malaysia loại khỏi bán kết AFF Cup 2018 hiện về với người Thái. Thời điểm đó, Thái Lan được đánh giá cao, có thành tích tốt tại vòng bảng. Tiến vào bán kết gặp Malaysia, Thái Lan cầm hòa 0-0 trên sân khách. Tuy vậy, đến trận lượt về trên sân nhà, Thái Lan để Malaysia cầm hòa 2-2 và chấp nhận rời cuộc chơi do luật bàn thắng sân khách.

Thực tế, nếu đánh giá tổng thể ở trận lượt đi, Thái Lan có trận đấu không đến nỗi nào. Xét về thế trận, “voi chiến” được đánh giá nhỉnh hơn, kiểm soát bóng 72,3% và tung ra 24 cú sút nhưng không ghi được bàn nào. Trong khi đó, Malaysia chỉ thực hiện 6 cú sút nhưng có 1 bàn thắng nhờ công của Faisal Halim. Thậm chí, nếu trọng tài chính xác hơn, không “bẻ còi” từ chối bàn thắng hợp lệ của Malaysia, Thái Lan đã nhận thất bại cách biệt trên sân khách. Rõ ràng, tính hiệu quả là điều Thái Lan cần học hỏi Malaysia.

Tình thế hiện tại buộc Thái Lan phải thắng cách biệt 2 bàn ở trận lượt về để giành vé đi tiếp. Nếu không làm được điều đó, chí ít Thái Lan phải thắng 1-0 để giải quyết trận đấu ở hiệp phụ hoặc trên chấm 11m. Quan trọng, các học trò của HLV Polking phải bảo toàn mành lưới đội nhà bởi để Malaysia có 1 bàn, Thái Lan phải ghi 2 bàn.

Bài toán ở hàng công

Thái Lan là đội bóng ghi được nhiều bàn thắng nhất ở vòng bảng, nhiều hơn cả Việt Nam và Indonesia. Dẫu vậy, những con số thống kê ở các lượt trận đầu tiên không nói lên nhiều điều khi các đối thủ đều được đánh giá yếu và đa số “chịu trận”. Đến vòng bán kết, sức mạnh của các đội bóng được phản ánh rõ ràng nhất. HLV Polking nhận thấy điểm hạn chế của các học trò ở cách tổ chức tấn công và khả năng tận dụng cơ hội.

Người hâm mộ xứ chùa vàng cảm thấy nhớ Chanathip. Thiếu cầu thủ quan trọng này, lối chơi của Thái Lan kém sáng tạo đến độ HLV Polking chỉ đạo các học trò liên tục chơi tạt cánh đánh đầu - miếng đánh vốn không phải sở trường của họ. Ngoài ra, sự vắng mặt của Supachok ở tuyến giữa khiến các tình huống tấn công của Thái lan mất đi khả năng tạo đột biến. Theerathon thay thế các đồng đội, giữ vai trò “chia bài” và anh đã chơi hay nhưng chừng đó chưa đủ để Thái Lan tạo nên sự khác biệt. Chắc chắn, để xoay chuyển cục diện, HLV Polking sẽ bố trí thêm các cầu thủ “chia lửa” với Theerathon.

Thái Lan không còn đường lùi, buộc tổng lực tấn công. Điều này cũng mở ra cơ hội cho Malaysia. Không có được lực lượng mạnh nhất khi CLB Johor Darul Takzim từ chối nhả quân cho đội tuyển quốc gia nhưng Malaysia càng đá càng cho thấy sự tiến bộ. Dưới thời HLV Kim Pan-gon, Malaysia có lối chơi đa dạng. Họ không ngại pressing tầm cao nhờ nền tảng thể lực dồi dào. Đây nhiều khả năng là chiến thuật được chiến lược gia người Hàn Quốc áp dụng ở trận đấu tới để hạn chế khả năng tấn công của Thái Lan.

Thái Lan có lợi thế sân nhà nhưng Malaysia có lợi thế 1 bàn dẫn trước. Một trận đấu được dự báo không khoan nhượng, vé vào chung kết chỉ dành cho đội bóng biết vượt qua áp lực bằng bản lĩnh và tinh thần thép.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.