Các đội bóng cần đạt chuẩn chuyên nghiệp

.

Trước khi mùa giải 2023 diễn ra, chỉ có 10 CLB đủ tiêu chí cấp phép thi đấu, còn lại 4 CLB đều có vấn đề nhưng được “du di” cho đá. Điều đó nói lên một thực trạng: dù 23 mùa phát triển bóng đá chuyên nghiệp nhưng nhiều CLB vẫn không chú trọng xây phần móng vững chắc.

Sân vận động Thanh Hóa mặt cỏ lồi lõm trong trận chủ nhà gặp SHB Đà Nẵng ở vòng 3. Ảnh: M.M
Sân vận động Thanh Hóa mặt cỏ lồi lõm trong trận chủ nhà gặp SHB Đà Nẵng ở vòng 3. Ảnh: M.M

Hơn hai thập niên vẫn chưa đạt chuẩn

Có 5 tiêu chí cấp phép cho CLB tham dự V-League, gồm: thể thao, cơ sở vật chất, nhân lực và hành chính, pháp lý, tài chính. Các tiêu chí được chia thành 3 hạng A, B, C. Trong đó tiêu chí A và B là bắt buộc, tiêu chí C là các khuyến nghị.

Ban cấp phép Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã cấp phép cho 10 CLB tham dự V-League 2023, gồm: CLB Hà Nội, Công an Hà Nội, Bình Định, Bình Dương, Sông Lam Nghệ An, Nam Định, SHB Đà Nẵng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, CLB Khánh Hòa. Hai CLB được cấp phép kèm biện pháp phạt là CLB Hoàng Anh Gia Lai và Thanh Hóa do chưa đáp ứng tiêu chí cấp phép nhân lực hành chính hạng B. Ban cấp phép cho biết cũng sẽ đề xuất Ban chấp hành VFF xét áp dụng chính sách ngoại lệ đối với hai CLB là Viettel và Hải Phòng theo cam kết và lộ trình hoàn thiện tiêu chí cấp phép bắt buộc để hai đội bóng này có quyền tham dự V-League 2023 và đủ tiêu chuẩn năm 2024.

Để đạt chuẩn VFF đã khó, được Liên đoàn Bóng đá châu Á công nhận càng đòi hỏi cao hơn. Thế mới có chuyện Quảng Nam, sau khi vô địch V-League 2017 đã không đủ tiêu chuẩn cấp phép chuyên nghiệp nên nhường suất dự vòng sơ loại AFC Champions League 2018 cho Thanh Hóa. Ngay cả đội bóng mạnh như Hà Nội, từng vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019 và vô địch V-League 2019, vậy mà đã mất suất dự sân chơi AFC vì không được cấp phép chuyên nghiệp. Lý do, vì Hà Nội không cử đại diện tham gia giải U15 Quốc gia. CLB Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã thay thế Hà Nội dự giải.

Đã 23 mùa giải, để soi kỹ, phân tích sâu các tiêu chí đòi hỏi của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, e rằng chỉ đếm trên đầu ngón tay CLB đạt chuẩn. Cụ thể, điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất tập luyện, thi đấu còn quá hạn chế. Tình hình tài chính phập phù, phụ thuộc vào nhà tài trợ. Phía các địa phương, tức cơ quan quản lý Nhà nước rót ngân sách ít, thậm chí có nơi không có. Một số CLB không có đủ các tuyến U như yêu cầu. Mới đây nhất, hai CLB Cần Thơ và Sài Gòn đã ra thông báo không thể tham dự giải hạng Nhất 2023, vì không có ngân sách hoạt động.

Nhức nhối những mặt sân cỏ xấu xí

Chỉ riêng chuyện sân bãi thi đấu đã rất có vấn đề. HLV đội tuyển Thái Lan Alexandre Polking, trong chuyến sang Việt Nam xem V-League mới đây đã phải thốt lên: “Điều kiện sân cỏ tại Việt Nam không phải để chơi bóng. Trái bóng nảy khắp mọi nơi. Đó là lý do vì sao các cầu thủ phải sử dụng các đường chuyền dài. Ở Việt Nam có những sân vận động thậm chí chẳng thể chuyền bóng”.

SHB Đà Nẵng mới đây thua Thanh Hóa ở vòng 3, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng phàn nàn bại trận  do sân quá xấu. Ngay cả HLV Thanh Hóa, ông Velizar Popov cũng  liên tục than phiền về chất lượng sân nhà. Sân Vinh và một số sân cỏ khác cũng bị phàn nàn là quá xấu. Ngay cả sân Thiên Trường, nơi tổ chức bóng đá nam SEA Games 31 cũng không khác biệt, mặt sân lồi lõm. Điển hình nhất là sân Quốc gia Mỹ Đình, xấu đến mức dư luận, báo chí Đông Nam Á đã nhiều lần “kêu ca”.

Theo thống kê, 11/12 sân ở V-League  hiện đang sử dụng hai loại cỏ chính là Bermuda (cỏ lá kim) và cỏ lá gừng. Chỉ có sân Hồng Lĩnh sử dụng cỏ Paspalum, một loại cỏ cao cấp tương tự như cỏ Bermuda. Cỏ Bermuda được sử dụng khắp các sân cỏ Đông Nam Á và thế giới, theo tiêu chuẩn của FIFA. Vậy mà, chỉ có ba sân ở V-League sử dụng cỏ Bermuda là Hàng Đẫy, Thống Nhất và Hòa Xuân.

Các chuyên gia làm mặt sân cỏ cho biết đầu tư mặt cỏ Bermuda chỉ vào khoảng 2 tỷ đồng. Tiền bảo dưỡng cho sân khoảng 50 triệu đồng/tháng. Sân cỏ lá gừng khoảng 800 triệu đồng, tiền bảo dưỡng khoảng 30 triệu đồng/tháng. Chỉ 2 tỷ đồng thôi, chưa bằng một phần nhỏ trả phí chuyển nhượng cho một cầu thủ nhưng các CLB vẫn chấp nhận sân xấu còn hơn đầu tư. Đấy là biểu hiện thiếu chuyên nghiệp, không tôn trọng khán giả, coi thường đôi chân các cầu thủ.

Một nền bóng đá chuyên nghiệp cần có các CLB thực sự chuyên nghiệp. Tuy nhiên, xét các tiêu chuẩn, quá ít CLB sống được bằng thực lực. Đấy cũng là lý do chúng ta không có CLB nào tồn tại bền vững. Chẳng lẽ các CLB chỉ gắng gượng tồn tại, duy trì cái tên là đủ?

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.