Mới đây, ngành thể thao đưa ra mục tiêu thành tích của thể thao Việt Nam (TTVN) ở SEA Games 32 tại Campuchia là 100 Huy chương Vàng (HCV). Con số đó chỉ bằng một nửa so với thành tích chúng ta giành tại SEA Games 31 trên sân nhà năm ngoái. Đây là tín hiệu nên vui?
Hoàng Xuân Vinh đoạt Huy chương Vàng Olympic 2016 nhưng lại thất bại ở Olympic 2021. Ảnh: M.M |
Số 1 SEA Games và số 0 Olympic
Kể từ SEA Games 2003 tổ chức tại Việt Nam, đoàn TTVN liên tục nằm trong top 3 và nhiều lần dẫn đầu Đông Nam Á tại các đại hội thể thao khu vực. Mới đây nhất là SEA Games 31 diễn ra tháng 5-2022, chủ nhà Việt Nam giành đến 205 HCV, xếp thứ nhất toàn đoàn. Về nhì là Thái Lan với 95 HCV. Indonesia xếp 3 với 69 HCV. Đứng thứ tư là Philippines với số lượng HCV khiêm tốn 52 chiếc.
Thế nhưng, chỉ mấy tháng trước đó, thực lực thể thao Đông Nam Á biểu hiện khác hẳn ở Olympic Tokyo 2021. Với thành tích 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ, Philippines giành vị trí số 1 trên bảng thành tích các đoàn thể thao ở khu vực Đông Nam Á. Nhờ kỳ tích này, Philippines xếp hạng 49 trên bảng tổng sắp huy chương Olympic Tokyo 2021. Đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á là Indonesia, sau khi đoàn thể thao xứ sở vạn đảo có được 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ.
Tấm HCB cử tạ do VĐV Eko Yuli Irawan chinh phục ở hạng cân 61kg, chúng ta lưu ý có sự tranh tài của lực sĩ Thạch Kim Tuấn của Việt Nam. Cũng cần phải nhắc thêm, tấm HCV duy nhất của đoàn thể thao xứ sở chùa vàng thuộc về Panipak Wongpattanakit ở môn taekwondo, hạng cân 49kg của nữ. Wongpattanakit chính là VĐV thắng võ sĩ Trương Thị Kim Tuyền của Việt Nam ở vòng tứ kết. Còn đoàn TTVN chúng ta thì không có một tấm huy chương nào cả, hay nói cách khác là trắng tay. Đấy là thất bại khó đổ lỗi do Covid-19. Bởi, Philippines, Thái Lan, Indonesia và nhiều nước khác cũng chịu ảnh hưởng chung.
Trong bối cảnh đó, việc ngành thể thao mới đây đặt mục tiêu chỉ 100 HCV tại SEA Games 32, làm nhiều người bàn tán hai hướng: mục tiêu phù hợp với thực lực hiện có, một bước chuyển mình về tư duy?
Cần “cách mạng” chất lượng tấm huy chương
Xét về số lượng, dù chỉ tiêu 100 tấm HCV là một bước thụt lùi đáng kinh ngạc nhưng là hợp lý nếu căn cứ vào các kỳ SEA Games gần đó. Tại SEA Games 30 năm 2019, đoàn TTVN đạt 98 HCV (xếp thứ 2). SEA Games 29 đạt 58 HCV xếp thứ 3. SEA Games 28 đạt 73 HCV xếp thứ 3. Có nghĩa, cái ngưỡng 100 HCV là an toàn với ngành thể thao tại thời điểm hiện nay.
Giới hạn đó cũng nói lên sự mơ hồ về cái gọi là tư duy đổi mới. Bởi, đã xác định đi thi đấu SEA Games, phải đưa tất cả các VĐV tốt nhất, từ các nội dung Olympic đến các môn mang tính giao lưu thể thao “ngày hội khu vực”. Nước nào đăng cai SEA Games cũng thế, bằng mọi giá để có huy chương. Điểm khác biệt, nhiều nước vẫn luôn thúc đẩy việc đầu tư, phát triển các VĐV đỉnh cao để không ảnh hưởng các mục tiêu vĩ mô như ASIAD, Olympic.
Bất cứ giải thích nào thì việc đoàn TTVN thất bại ở Olympic Tokyo 2021 tiếp tục gióng hồi chuông báo động về tư duy, tầm nhìn, chiến lược phát triển. Không còn con đường nào khác phải “cách mạng” chất lượng các tấm huy chương.
Trong bối cảnh đó, việc mới đây, ngành thể thao phối hợp với các mạnh thường quân gia tăng giải thưởng một cách đột biến cho tấm HCV Olympic là một động thái đáng cổ vũ nhiệt thành. Theo đó, VĐV đoạt HCV Olympic 2024 được treo thưởng đến 1 triệu USD (23 tỷ đồng).
Đấy là con số làm đổi đời bất cứ VĐV nào, không ai không phấn khởi để phấn đấu. Tại Olympic 2016, Hoàng Xuân Vinh sau khi giành HCV và HCB bắn súng nhận tổng thưởng là 5,4 tỷ đồng. Con số đó chưa là gì so với mức thưởng của VĐV Thái Lan, Philippines, Indonesia, Singapore ở đấu trường Olympic.
Đã đến lúc, bên cạnh tưởng thưởng xứng đáng, TTVN cần chú trọng nâng cao thành tích các môn thể thao nằm trong hệ thống Olympic, chinh phục các giải thế giới, thay vì chạy theo bệnh thành tích ở SEA Games, Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc, Hội khỏe Phù Đổng. Chỉ như thế mới hy vọng nền thể thao nước nhà hội nhập được với thể thao thế giới.
MỘC MIÊN