Thách thức của U22 Việt Nam tại SEA Games 32

.

Ngày 26-2, HLV Philippe Troussier có mặt tại Hà Nội nhận nhiệm vụ mới với bóng đá Việt Nam. Mục tiêu đầu tiên giúp đội tuyển U22 Việt Nam bảo vệ Huy chương Vàng (HCV) tại SEA Games 32 của ông đối mặt thách thức khi nước chủ nhà Campuchia không cho các đội bóng sử dụng cầu thủ quá tuổi.

Việc không được sử dụng cầu thủ quá tuổi tại SEA Games 32 là một bất lợi với đội tuyển U22 Việt Nam (bên phải) nhưng đồng thời là cơ hội để các cầu thủ trẻ thể hiện mình.
Việc không được sử dụng cầu thủ quá tuổi tại SEA Games 32 là một bất lợi với đội tuyển U22 Việt Nam (bên phải) nhưng đồng thời là cơ hội để các cầu thủ trẻ thể hiện mình.

Campuchia xóa bỏ quy định sử dụng 2 cầu thủ trên 22 tuổi nhằm cân bằng sức mạnh các đội dự SEA Games 32. Bởi việc có thêm 2 hoặc 3 cầu thủ quá tuổi luôn mang đến lợi thế cho các nền bóng đá lớn trong khu vực. Bên cạnh đó, điều chỉnh này nằm trong dự tính của nước chủ nhà bởi đội tuyển U22 của họ không bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ có 4 cái tên trong đội hình U22 Campuchia hiện sinh từ ngày 1-1-2001 trở về trước. Lứa trụ cột của họ hiện là các cầu thủ từ 20 đến 21 tuổi.

Với bóng đá Việt Nam, việc không được bổ sung cầu thủ quá tuổi là một bất lợi. Vai trò của các “đàn anh” trong dẫn dắt các cầu thủ trẻ luôn thể hiện rõ. Ở SEA Games 30, Trọng Hoàng và Hùng Dũng là hai nhân tố quan trọng đưa đội tuyển U22+2 Việt Nam giành chức vô địch. Còn tại SEA Games 31, U23+3 Việt Nam “sống dựa” vào Tiến Linh, Hoàng Đức và Hùng Dũng. Sau SEA Games 30 và 31, tại vòng chung kết U23 châu Á 2020 và 2022 - nơi dành riêng cho các cầu thủ U23, khi chỉ chơi với toàn bộ đội hình đúng tuổi, đội tuyển U23 Việt Nam yếu hơn hẳn và không tạo ra tính đột biến.

Việc các cầu thủ trẻ Việt Nam chưa phát triển đúng kỳ vọng có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là thiếu sân chơi để cọ xát. Tại V-League, con số cầu thủ trẻ được trao cơ hội thể hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài Nguyễn Phi Hoàng và Phạm Đình Duy được SHB Đà Nẵng sử dụng thường xuyên, các cầu thủ đồng trang lứa chủ yếu dự bị, thậm chí không được đăng ký ở đội một. Ngay cả Khuất Văn Khang, một cầu thủ được xem là “sao mai” của bóng đá Việt cũng chưa được CLB Viettel sử dụng nhiều.

Thực tại của bóng đá Việt Nam buộc HLV Troussier có những tính toán về chiến thuật, lối chơi hợp lý để ra mắt người hâm mộ bằng một đội tuyển trẻ giàu sức chiến đấu. Về mặt lực lượng, có 7 cầu thủ vô địch SEA Games 31 đủ tuổi bảo vệ HCV ở SEA Games 32, gồm: Quan Văn Chuẩn, Vũ Tiến Long, Lương Duy Cương, Phan Tuấn Tài, Lê Văn Đô, Huỳnh Công Đến và Nguyễn Văn Tùng. Trên cơ sở này, HLV Troussier có thể chọn thêm những nhân tố trẻ xuất sắc như: Khuất Văn Khang, Nguyễn Văn Trường, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Thanh Nhàn, Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Phi Hoàng, Phạm Đình Duy...

Chuẩn bị cho SEA Games 32, đội tuyển U22 Việt Nam tập trung thành 4 giai đoạn trong tháng 3 tới. Thành phần này tiếp tục được mài giũa trong quá trình chuẩn bị cho ASIAD 19 vào tháng 9 tại Trung Quốc, qua đó trở thành nguồn nhân lực dồi dào cho kế hoạch trẻ hóa đội tuyển Việt Nam của HLV Troussier, hướng tới hành trình tại vòng loại World Cup 2026. Nhìn ở góc độ này, việc sử dụng cầu thủ trẻ ở SEA Games 32 là cơ hội để bóng đá Việt Nam mở ra hướng phát triển mới.

Thực tế, các nước trong khu vực cũng đầu tư cho tương lai từ việc phát triển bóng đá trẻ. Ở SEA Games 30, Thái Lan với mục tiêu tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ đã không đăng ký cầu thủ quá tuổi. Còn tại SEA Games 31, Malaysia là đội nói không với các cầu thủ quá tuổi. Với Indonesia, các lứa từ U19 đến U23 liên tục tham gia tập huấn dài ngày, cọ xát với các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Nhiều cầu thủ trẻ của họ đã được khoác áo đội tuyển quốc gia. Rõ ràng, các nước trong khu vực đã trao cơ hội, niềm tin cho các cầu thủ trẻ. Vậy thì, tại sao chúng ta thì chưa?

Hơn 5 năm trước, khi đến với bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo tạo ra sự thay đổi lớn từ lứa U23. Lúc này, tân HLV Troussier cũng được trao cơ hội tương tự với U22 tại đấu trường SEA Games. Nếu thành công, đây sẽ là nền móng để bóng đá Việt Nam tính chuyện tương lai.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.