"Vua sân cỏ" làm quen với VAR

.

Tranh thủ quãng nghỉ, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức lớp đào tạo trọng tài công nghệ VAR. Dù chưa biết bao giờ sân cỏ nội chính thức sử dụng công nghệ này nhưng đấy cũng là tín hiệu đáng phấn khởi.

Các trọng tài Việt được tiếp cận công nghệ VAR. Ảnh: M.M
Các trọng tài Việt được tiếp cận công nghệ VAR. Ảnh: M.M

VAR không đắt như suy nghĩ

Từ ngày 20-2 đến ngày 6-3 tại Hà Nội, 18 trọng tài, trợ lý trọng tài V-League sẽ được làm quen với VAR trên hệ thống mô phỏng cũng như được đào tạo các bước ứng dụng công nghệ VAR – mức độ 1 với tình huống đơn giản, dưới sự hướng dẫn trực tuyến của giảng viên FIFA và giảng viên trọng tài Việt Nam.
Ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Chủ tịch HĐQT Công ty VPF khẳng định: “Việc tập huấn VAR đặc biệt quan trọng với các trọng tài, trợ lý trọng tài. Sau khóa học này, nếu như chúng ta tập huấn tốt, vượt qua bài kiểm tra của FIFA thì VAR mới có thể được áp dụng trên sân thi đấu. Sự hiện diện của VAR ở các trận đấu chuyên nghiệp là điều mà VFF, VPF và đặc biệt là Ban trọng tài mong muốn”. 

Theo Trưởng ban trọng tài VFF Đặng Thanh Hạ, trong 18 trọng tài có 4 người là trọng tài và 2 là trợ lý FIFA. “Trong 14 ngày, các trọng tài, trợ lý sẽ làm quen với thiết bị, phân tích video trong bộ 75 tình huống mà FIFA cung cấp. Các trọng tài sẽ thực hành phân tích dựa trên công nghệ video. Đối với thực tế các trận đấu, ngoài 4 trọng tài trên sân thì trong phòng VAR, chúng ta cần có 1 trọng tài, 1 trợ lý VAR và 1 kỹ thuật”. 

Theo lộ trình, công nghệ VAR sẽ đưa vào áp dụng tại V-League từ mùa giải 2023-2024. VPF sẽ chọn phương án trang bị 3 xe VAR phục vụ VAR ở các sân tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong xe VAR đặt 1 máy chủ cỡ lớn (có thêm 1 máy chủ dự phòng), hỗ trợ xử lý 8 kênh đầu vào dành cho việc thu ghi luồng tín hiệu từ các camera trên sân vận động và camera bắt việt vị; phần mềm Xeebra để thể hiện tình huống việt vị ảo. Thiết bị VAR không thể thiếu hệ thống liên lạc nội bộ giữa trọng tài và VAR - Intercom (gồm tổ trọng tài VAR ngồi trên xe VAR và tổ trọng tài điều hành trên sân). Chi phí mỗi xe VAR vào khoảng 9 - 11 tỷ đồng. Nếu so với các hạng mục khác chi cho bóng đá chuyên nghiệp, số tiền trên dưới 50 tỷ đồng cho 3 xe VAR và phát sinh không quá đắt đỏ. Đổi lại, quá nhiều cái lợi cho bóng đá Việt Nam.

Trông người, ngẫm ta

Thái Lan tiến hành đưa VAR áp dụng từ vòng 24 mùa giải 2018. Trước đó, họ vạch ra một chương trình gồm 4 điểm để nâng cao công tác trọng tài, gồm quán triệt luật, quy chế đối với trọng tài, nâng cao thể lực và trình độ chuyên môn. 36 trọng tài làm nhiệm vụ  ở Thai League 2018 được gửi sang Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn dài hạn.

Cùng với việc nâng cấp chất lượng chuyên môn, tăng chế độ thu nhập của cá nhân các trọng tài, bóng đá Thái Lan (FAT) học tập UEFA Champions League và Europa League khi bố trí thêm 2 trọng tài ở đường biên ngang, nhằm tăng sự chính xác cho những quyết định của trọng tài chính. FAT cũng hợp tác với Sportradar - công ty kiểm soát cá cược hàng đầu về thể thao nhằm phát hiện những tiêu cực có liên quan đến dàn xếp tỷ số, bán độ... Sportradar đã kiểm tra các trọng tài xem họ có đủ tư cách, chuyên môn và đạo đức không rồi mới cho làm nhiệm vụ ở các giải chuyên nghiệp.

Thai League đã đạt trình độ chuyên nghiệp hàng đầu nhưng họ không ngừng hoàn thiện, phổ cập các công nghệ của FIFA.  Trong khi đó, V-League bao nhiêu năm nhức nhối công tác trọng tài. Tất cả các sai sót đều được giải thích do lỗi kỹ thuật. Trong khi đó, mỗi mùa giải, VPF lại phải thuê trọng tài ngoại. Đấy là điều phi lý, bởi chất lượng trọng tài ngoại được đánh giá không hơn nội, chỉ là được…tin tưởng hơn!
Cũng cần lưu ý, VAR không thể thay thế con người. Nếu trọng tài không chuyên nghiệp, không trong sáng thì rất có thể VAR lại phản tác dụng.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.