Chung tay nâng tầm thể thao Đông Nam Á

.

Tối nay (5-5), lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) diễn ra tại sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia).

U22 Việt Nam (bên trái) đã vượt qua U22 Singapore để có hai chiến thắng liên tiếp. Ảnh: M.M
U22 Việt Nam (bên trái) đã vượt qua U22 Singapore để có hai chiến thắng liên tiếp. Ảnh: M.M

Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Dương đăng cai SEA Games từ năm 2003. Đấy  là thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Dù thế, chúng ta đã tổ chức một kỳ SEA Games thành công, an toàn, tạo tiền đề để lần thứ hai SEA Games về Việt Nam vào năm 2022. Năm 2009, Lào lần đầu tiên đăng cai đại hội thể thao khu vực. Họ cũng để lại nhiều dấu ấn, tạo đà cho những bước phát triển về sau.

Giờ đây, Campuchia cho thấy đủ năng lực để tổ chức, điều hành những sự kiện tầm cỡ quốc tế. Tổ hợp thể thao Morodok có quy mô và bề thế đứng thứ hai Đông Nam Á, chỉ sau Bukit Jalil của Malaysia và gấp đôi tổ hợp Mỹ Đình của Việt Nam. Lễ khai mạc sẽ đạt tiêu chuẩn Olympic. Rõ ràng, Campuchia muốn bạn bè quốc tế nhận biết sâu sắc những hình ảnh đẹp về văn hóa của đất nước và con người Campuchia, lan tỏa tinh thần đúng như Sologan SEA Games lần này: “Thể thao - Sống trong hòa bình”.

SEA Games 32 tổ chức thi đấu 37 môn với 586 nội dung. Có khoảng 12.000 thành viên của các đoàn tới tham dự SEA Games 32, với 3.500 người lưu trú ở các làng vận động viên, 2.000 người được bố trí ở các khách sạn 4 sao trở lên và ở gần khu vực thi đấu. Campuchia quyết định miễn phí vé xem lễ khai mạc, bế mạc và các môn thi đấu; miễn phí bản quyền truyền hình; miễn phí ăn ở, đi lại cho thành viên 11 đoàn thể thao và miễn phí dịch vụ y tế tại kỳ đại hội lần này.

Theo tính toán, tổng số tiền tổ chức SEA Games 32 của Campuchia được nâng lên 131 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng). Con số này cao hơn so với số tiền 1.199 tỷ đồng mà Việt Nam chi ra để tổ chức SEA Games 31 vào năm ngoái. Nói về việc miễn phí các thứ, Thủ tướng Hun Sen cho biết: “Chúng tôi không cần tiền từ việc bán vé hay các hình thức quảng cáo. Chúng tôi cần một thứ to tát hơn, đó là thế giới thừa nhận Campuchia, biết về Campuchia”.

​SEA Games mục đích khởi thủy là ngày hội giao lưu thể thao các nước Đông Nam Á. Các nước đều đặt nặng thành tích, số lượng tham gia. Chủ nhà thường đưa nhiều môn thể thao cổ truyền, tranh thủ sự ưu ái của trọng tài để đánh chiếm số lượng huy chương vàng. Chỉ môn bóng đá nam được khán giả quan tâm, các nước đầu tư mạnh hơn hẳn so với các môn khác. Chính vì thế, giá trị về chuyên môn ở giải đấu này không cao. Bước ra sân chơi châu lục và thế giới, thể thao các nước Đông Nam Á đều không để lại nhiều dấu ấn.

Tại SEA Games 32, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên. Trong đó gồm một trưởng đoàn, hai phó đoàn, 30 cán bộ, 31 bác sĩ, 38 lãnh đạo, 10 chuyên gia, 189 HLV và 702 vận động viên. Mục tiêu của thể thao Việt Nam là đứng trong tốp 3 nước có thành tích cao nhất tại SEA Games 32. Riêng môn bóng đá nam, nữ được giao chỉ tiêu bảo vệ 2 tấm HCV đã giành được trong hai kỳ SEA Games liên tiếp gần đây. Hai đội tuyển bóng đá nam, nữ đang có đà thuận lợi khi U22 giành chiến thắng trước Lào và Singapore. Trong khi đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung đã có chiến thắng đầu tay trước nữ Malaysia.

Campuchia đã thể hiện được khả năng tổ chức SEA Games. Tuy nhiên, chưa thể vui cho thể thao Đông Nam Á khi các nước vẫn chưa thể nâng tầm nền thể thao quốc gia để sánh vai các cường quốc trên thế giới.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.