Phát triển môn bóng chuyền chân bãi biển

.

Bóng chuyền chân bãi biển là môn thể thao mới đang được thành phố tạo điều kiện phát triển. Với nhiều điều kiện thuận lợi trong tập luyện và thi đấu, môn thể thao này được kỳ vọng sẽ trở thành môn thế mạnh của thể thao thành phố cùng với bóng đá và bóng chuyền bãi biển.

Bóng chuyền chân bãi biển là môn thể thao mới đang được thành phố tạo điều kiện phát triển. Ảnh: P.N
Bóng chuyền chân bãi biển là môn thể thao mới đang được thành phố tạo điều kiện phát triển. Ảnh: P.N

Bóng chuyền chân bãi biển có nguồn gốc từ Brazil, mới phát triển phong trào tại Việt Nam. Đây là môn thể thao có 2 đội chơi, mỗi đội gồm 2 hoặc 4 vận động viên (VĐV) thi đấu trên sân cát có kích thước 18x9m. Sân thi đấu được chia làm hai phần bằng nhau, ngăn cách bởi tấm lưới treo trên hai cột thẳng đứng. Mỗi phần sân có diện tích 9x9m. Bóng có thể được chuyền bằng chân hoặc các bộ phận khác của cơ thể, trừ bàn tay, cánh tay và cẳng tay. Mục đích của cuộc chơi là đánh bóng qua trên lưới sao cho bóng chạm sân đối phương và ngăn không cho đối phương làm điều tương tự bên phần sân của đội mình. Một cầu thủ không được phép chạm bóng hai lần liên tiếp. Một pha bóng chỉ kết thúc khi bóng chạm đất hoặc cho đến khi một người chơi phạm lỗi.

Thời gian qua, phong trào chơi bóng chuyền chân được nhiều VĐV trên địa bàn thành phố hưởng ứng. Trong đó, các VĐV xuất sắc đã được tuyển chọn vào đội tuyển thành phố. Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, các VĐV duy trì tập luyện thường xuyên tại các bãi biển. Vừa kết thúc buổi tập cùng đồng đội tại bãi biển Mân Thái (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), anh Trần Văn Hưng, VĐV đội tuyển bóng chuyền chân thành phố cho biết: “Đây là môn thể thao mới, thú vị, đòi hỏi người chơi phải có kỹ năng chơi chân tốt, phối hợp nhịp nhàng với đồng đội. Tùy vào nhu cầu tập luyện, mỗi đội gồm 2 hoặc 4 người. Tuy nhiên, ở đội tuyển bóng chuyền chân thành phố, chúng tôi thường tập mỗi đội 2 người. Cùng với môn bóng đá và bóng chuyền bãi biển, môn thể thao này có thể phát triển mạnh trong tương lai khi phong trào chơi bóng chuyền chân lan tỏa ở các địa phương”.

Tại quận Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, các môn thể thao biển phát triển mạnh. Trong đó, bóng đá và bóng chuyền bãi biển giúp hai quận này gặt hái thành công ở các giải đấu vô địch cấp thành phố. Theo ông Huỳnh Bá Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH-TT&TT) quận Ngũ Hành Sơn, nhằm đa dạng các môn thể thao biển, quận sẽ phát triển môn bóng chuyền chân bãi biển. Các VĐV ở các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền bãi biển của quận đều có kỹ năng tốt, có thể tập luyện, thi đấu môn bóng chuyền chân. Hiện các VĐV duy trì tập luyện, sẵn sàng tham dự các giải đấu do thành phố tổ chức. Trong khi đó, theo ông Vũ Thế Hệ, Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT quận Sơn Trà, trước các giải đấu do thành phố tổ chức, quận tổ chức giải đấu cho các phường tranh tài. Qua đó, tuyển chọn những VĐV xuất sắc vào đội tuyển của quận. Cùng với bóng đá và bóng chuyền bãi biển, quận sẽ tổ chức giải bóng chuyền chân bãi biển để lan tỏa phong trào.

Nhằm đẩy mạnh phát triển phong trào bóng chuyền chân bãi biển, mới đây, tại Công viên Biển Đông, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Trung tâm Bóng đá S&A tổ chức giải bóng chuyền chân bãi biển thành phố Đà Nẵng mở rộng. Lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng, giải diễn ra sôi nổi, hấp dẫn với sự tham dự của 30 VĐV đến từ 8 đội bóng, gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh 1, Thành phố Hồ Chí Minh 2, Đà Nẵng 1 và Đà Nẵng 2. Các đội được chia làm 2 bảng, thi đấu vòng tròn 1 lượt chọn 2 đội đứng Nhất, Nhì mỗi bảng vào thi đấu bán kết. Kết thúc giải, Ban tổ chức khen thưởng cho 4 đội giành các vị trí cao nhất.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao nhìn nhận, so với các địa phương, Đà Nẵng có nhiều điều kiện để phát triển môn bóng chuyền chân bãi biển. Đây là môn thể thao không đòi hỏi sự đầu tư lớn. Trong lần đầu tiên dự giải do Đà Nẵng đăng cai tổ chức, các VĐV đội tuyển bóng chuyền chân thành phố đã có cơ hội giao lưu, cọ xát với các VĐV của các đội bóng chuyền chân mạnh ở các địa phương. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tổ chức các giải vô địch thể thao bãi biển, trong đó có giải bóng chuyền chân bãi biển nhằm tạo điều kiện cho các VĐV của các quận, huyện tranh tài. Đồng thời, đăng cai tổ chức giải bóng chuyền chân quy mô toàn quốc nhằm đa dạng các loại hình, nội dung thi đấu các môn thể thao biển.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.