Một đội bóng có truyền thống như SHB Đà Nẵng xuống thi đấu ở giải hạng Nhất khiến người hâm mộ tiếc nuối. Tuy nhiên, nhìn vào màn trình diễn của đội chủ sân Hòa Xuân ở mùa giải vừa qua, việc chia tay V-League là điều không quá bất ngờ.
SHB Đà Nẵng (áo cam) xuống hạng do phong độ thi đấu không tốt. Ảnh: P.N |
Phong độ thất vọng
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thất bại của SHB Đà Nẵng? Rõ ràng, phong độ thi đấu là nguyên nhân chính khiến đội bóng sông Hàn trở thành đội duy nhất ở V-League 2023 xuống hạng. Thi đấu 18 trận, chỉ ghi được 11 bàn, giành 2 chiến thắng, 8 trận hòa và thua 8 trận là thống kê khá khiêm tốn của một đội bóng chuyên nghiệp. Đáng nói, ở giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải là những trận đấu với các đối thủ ở nhóm đua trụ hạng, thầy trò HLV Phạm Minh Đức không có kết quả tốt khi để thua liên tiếp 3 trận.
Đầu mùa giải, SHB Đà Nẵng đặt mục tiêu vào top 8 và trụ hạng sau giai đoạn 1. Tuy nhiên, đội bóng sông Hàn đối mặt khó khăn khi thể hiện diện mạo thất vọng. HLV Phan Thanh Hùng chia tay đội bóng sau 10 vòng đấu không giành được chiến thắng nào. Thực tế, Phan Thanh Hùng là HLV lão luyện, có nhiều kinh nghiệm cầm quân. Dù vậy, chất lượng cầu thủ không bảo đảm khiến ông không thể giúp đội bóng cụ thể hóa các mục tiêu. Tại V-League, tất cả các đội bóng đều sử dụng ngoại binh. Nhưng với SHB Đà Nẵng, nhiều trận đấu gần như “chấp” Tây. Tiền vệ Nicholas Olsen và tiền đạo Dias sớm chia tay đội bóng sông Hàn từ giai đoạn 1. Ở giai đoạn 2, tiền đạo Lucao nhận được nhiều kỳ vọng, nhưng anh chỉ ghi 1 bàn trong các trận đấu có tính chất quan trọng của đội.
Cũng như các ngoại binh, các cầu thủ nội của SHB Đà Nẵng có phong độ phập phù. Kế hoạch kêu gọi “người cũ” trở lại câu lạc bộ (CLB) với mục đích xây dựng bản sắc nhận được nhiều sự ủng hộ. Dù vậy, qua các trận đấu, các cầu thủ như: Hà Minh Tuấn, Võ Hoàng Quãng, Phạm Nguyên Sa, Giang Trần Quách Tân, Phan Đức Lễ… cho thấy đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, không có nhiều đóng góp cho tập thể. Ngoài ra, các trụ cột Hoàng Minh Tâm, Nguyễn Anh Tuấn… không còn giữ được phong độ do ảnh hưởng của tuổi tác. Mùa giải năm nay, Phạm Đình Duy, Nguyễn Phi Hoàng, Lương Duy Cương, Trần Văn Hữu, Võ Minh Đan… tiếp tục được trao cơ hội thi đấu chuyên nghiệp nhưng các cầu thủ trẻ cần thời gian để trưởng thành, đóng góp nhiều hơn cho đội bóng.
Phát triển theo hình thức xã hội hóa
Hiện CLB SHB Đà Nẵng được Công ty CP thể thao SHB Đà Nẵng quản lý. Theo ông Huỳnh Anh Vũ, Tổng Giám đốc công ty, việc SHB Đà Nẵng xuống hạng là kết quả không mong muốn. Mùa giải qua, có những thời cơ để trụ hạng, nhưng đội không tận dụng thành công do thi đấu không đạt kết quả tốt. Về kinh phí, công ty bảo đảm cho các hoạt động của CLB. Cầu thủ, ban huấn luyện, nhân viên CLB… đều được trả lương đúng kế hoạch. Thậm chí, những khoản thưởng khi đội giành chiến thắng đều được thanh toán ngay.
Thực tế, với bóng đá chuyên nghiệp, mô hình xã hội hóa được áp dụng nhiều năm qua. Theo Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2008, bóng đá thành phố có sự thay đổi bước ngoặt trong công tác xã hội hóa. CLB SHB Đà Nẵng, các đội tuyển trẻ cùng toàn bộ cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện, nhà ở vận động viên tại Làng Thể thao Tuyên Sơn với hơn 41.513m2 và 35ha (tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), cùng các phương tiện xe đưa đón, các đội tuyển... được chuyển giao hoàn toàn cho Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) để phát triển mô hình bóng đá chuyên nghiệp.
Đến năm 2016, SHB đặt vấn đề với thành phố đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo các tuyến bóng đá trẻ. Sau đó, thành phố và lãnh đạo SHB thống nhất chủ trương “đặt hàng đào tạo các tuyến bóng đá trẻ cho CLB bóng đá SHB Đà Nẵng với mức 20 tỷ đồng/năm, bắt đầu thực hiện từ năm 2017”. Tổng cộng giai đoạn từ năm 2017 đến 2020, ngân sách thành phố chi cho công tác đào tạo trẻ là hơn 56 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, bóng đá thành phố nói chung và bóng đá trẻ nói riêng luôn nhận được sự quan tâm và đầu tư của thành phố.
Trong quá trình triển khai thực hiện việc hỗ trợ này, tại thông báo kết luận năm 2018, 2019 của Kiểm toán Nhà nước khu vực III có nêu: “Việc thành phố hỗ trợ cho doanh nghiệp đã được xã hội hóa (CLB bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng) là không có căn cứ, không gắn với nhiệm vụ, chưa phù hợp quy định của khoản 9 Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước” và yêu cầu chấm dứt việc hỗ trợ này. Vì vậy, từ năm 2021, thành phố tạm dừng việc chi kinh phí cho công tác đào tạo bóng đá trẻ để xây dựng đề án phù hợp tình hình thực tế tại địa phương, đặc biệt đúng với các quy định về quản lý tài chính, ngân sách của Nhà nước.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Trọng Thao, thành tích của SHB Đà Nẵng ở những mùa giải qua chưa đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ. Dù vậy, đội bóng hiện do Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng quản lý nên ngành thể thao thành phố không thể can thiệp vào chuyên môn. Đây là một đơn vị xã hội hóa nên các kế hoạch phát triển của các đội trẻ cũng như CLB SHB Đà Nẵng được công ty đề ra.
Không riêng gì SHB Đà Nẵng, tất cả các CLB tại V-League đều được xã hội hóa. Qua những buổi làm việc, Công ty CP Thể thao SHB Đà Nẵng không đề cập đến việc khó khăn về tài chính ảnh hưởng đến thành tích của đội bóng. Vấn đề là đội cần tìm được những bản hợp đồng chất lượng, những cầu thủ có chuyên môn tốt hơn, đóng góp nhiều hơn vào lối chơi. Thành phố luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho CLB phát triển.
PHI NÔNG