Thách thức của thể thao Việt Nam tại Asiad 19

.

Đoàn thể thao Việt Nam có 2 kỳ SEA Games 31 và 32 thành công khi đứng đầu bảng tổng sắp huy chương. Tuy nhiên, về chuyên môn, những tấm huy chương vàng tại SEA Games còn khoảng cách xa so với Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lần thứ 19 nên thách thức của các vận động viên Việt Nam tại kỳ đại hội sắp tới là không nhỏ.

Nguyễn Thị Hằng và các đồng đội được kỳ vọng tiếp tục thi đấu thành công mang về huy chương vàng cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Asian Athletics Championships
Nguyễn Thị Hằng và các đồng đội được kỳ vọng tiếp tục thi đấu thành công mang về huy chương vàng cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19. Ảnh: Asian Athletics Championships

Không dễ để cụ thể hóa mục tiêu

Asiad 19 diễn ra từ ngày 16-9 đến 9-10 tại Trung Quốc với sự góp mặt của hàng nghìn huấn luận viên, vận động viên của 45 quốc gia khu vực châu Á và các nước châu Đại Dương, tham gia thi đấu 40 môn, cạnh tranh 482 huy chương vàng. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự đại hội với 504 thành viên, trong đó có 337 vận động viên của 31 môn, do Cục trưởng Cục Thể dục - Thể thao Đặng Hà Việt làm trưởng đoàn. Tại Asiad 19, đoàn thể thao Việt Nam được chia thành ba nhóm thi đấu.

Nhóm thứ nhất gồm các môn: cờ tướng, cầu mây, bắn súng, karate, xe đạp, cử tạ, bắn cung. Nhóm hai gồm các môn: bơi, điền kinh, đua thuyền rowing, đua thuyền canoeing, bóng bàn, cờ vua, quần vợt, thể dục dụng cụ, roller, quyền anh (boxing), taekwondo, vật, wushu, judo, kurash, jujitsu, đấu kiếm. Nhóm ba là các môn: bóng chuyền, bóng đá, golf, cầu lông, bóng mềm (soft tennis), thể thao điện tử - esports, nhảy breaking. Chỉ tiêu của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ đại hội này là giành từ 2 đến 5 huy chương vàng.

Để cụ thể hóa mục tiêu đề ra là nhiệm vụ không dễ dàng với thể thao Việt Nam. Asiad là đấu trường lớn, không chỉ có các vận động viên hàng đầu châu lục tranh tài mà còn có sự tham gia của nhiều nhà vô địch thế giới, Olympic. Đây cũng là kỳ đại hội mà các vận động viên mạnh thuộc các cường quốc về thể thao của châu lục như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… tranh tài quyết liệt.

Trong khi đó, sự chênh lệch về trình độ, đẳng cấp giữa vận động viên Việt Nam và các quốc gia châu lục còn khá xa. Do vậy, thể thao Việt Nam muốn đạt được thành tích, bên cạnh sự nỗ lực tập luyện, quyết tâm hết mình trong thi đấu của các vận động viên thì cần có những tính toán kỹ lưỡng, chiến thuật hợp lý từ các huấn luyện viên.

Thể thao Việt Nam tham dự Asiad từ năm 1982 với huy chương đồng môn bắn súng của vận động viên Trần Quốc Cường. Tới năm 1994, thể thao Việt Nam mới có huy chương vàng đầu tiên. Năm 2002, thể thao Việt Nam giành 4 huy chương vàng. Tuy nhiên, do những thay đổi về nội dung, cơ cấu, thể thao Việt Nam chỉ có 3 huy chương vàng tại Asiad 2006.

Tại 2 kỳ đại hội vào các năm 2010 và 2014, thể thao Việt Nam giành 1 huy chương vàng. Tại Asiad 2018, thể thao Việt Nam vượt lên với 4 huy chương vàng cùng 16 huy chương bạc và 18 huy chương đồng. Tại Asiad 19, hai trong số môn mang về huy chương vàng cho thể thao Việt Nam ở kỳ đại hội trước là chèo thuyền và pencak silat không được tổ chức.

Những môn được kỳ vọng

Trước những thách thức, đâu là môn được kỳ vọng mang về huy chương vàng cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19? Thực tế, 337 vận động viên dự đại hội châu Á sắp tới đều được lựa chọn kỹ, là những gương mặt ưu tú của thể thao Việt Nam. Dù vậy, trong số 31 môn đăng ký tham dự, những môn quen thuộc như điền kinh, cầu mây, taekwondo, cờ vua, karate, bắn súng, bơi lội… được kỳ vọng sẽ có huy chương. Với điền kinh, 4 vận động viên trong tổ chạy tiếp sức 4x400m gồm: Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Hằng, Hoàng Thị Minh Hạnh và Nguyễn Thị Ngọc được kỳ vọng giành huy chương vàng.

Tại giải vô địch châu Á năm 2023 mới đây, 4 vận động viên này đoạt huy chương vàng với thời gian 3 phút 32 giây 36, vượt qua thành tích ở SEA Games 32 là 3 phút 33 giây 05. Việc đánh bại một loạt đối thủ mạnh từ Nhật Bản, Sri Lanka, Ấn Độ hay Uzbekistan… đang tiếp thêm sự tự tin cho Nguyễn Thị Huyền và các đồng đội. Ở nội dung chạy 1.500m, Nguyễn Thị Oanh cũng nhận được sự chú ý. Dù vậy, các thông số chuyên môn của cô tại các giải gần đây thấp hơn so với thành tích tại SEA Games 32.

Ngoài điền kinh, cầu mây cũng đặt mục tiêu giành huy chương vàng. Mục tiêu này có thể thực hiện được khi cuối tháng 7-2023, 6 cô gái đội tuyển cầu mây Việt Nam gồm: Nguyễn Thị My, Nguyễn Thị Yến, Trần Thị Ngọc Yến, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trần Thị Thu Hoài và Nguyễn Thị Thu Trang giành chức vô địch sau khi vượt qua Thái Lan trong trận chung kết tại giải vô địch cầu mây thế giới.

Theo kế hoạch, đoàn thể thao Việt Nam xuất quân ngày 20-9, một số môn dựa theo lịch thi đấu cụ thể sẽ xuất phát trước hoặc sau. Kỳ đại hội nhiều khó khăn, thách thức đang chờ phía trước, nhưng đây cũng là cơ hội tốt để các vận động viên Việt Nam cọ xát, từng bước tiệm cận trình độ của các vận động viên hàng đầu châu lục.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.